Nếu chủ đầu tư dự án PetroVietnam Lanmark phá sản, hơn 400 khách hàng mua nhà sẽ mất trắng?

Đăng Khải |

Thứ tự phân chia tài sản khi một doanh nghiệp phá sản sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động sẽ được ưu tiên. Tiếp theo là nghĩa vụ đối với Nhà nước (nếu có) và khoản nợ trả cho khách hàng.

Toà án nhân dân (TAND) TP.HCM vừa ban hành quyết định về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVCLand), chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark.

Ngay sau khi biết thông tin này, hàng trăm khách hàng đã mua nhà tại dự án PetroVietnam Landmark đều cảm thấy hoảng hốt vì biết chắc rằng họ sẽ khó mà nhận được nhà như lời chủ đầu tư đã hứa.

Bà Thu Hồng, một khách hàng mua căn hộ của dự án PetroVietnam Landmark cho biết: "Gia đình tôi vay mượn khắp nơi để thanh toán đủ 100% tiền mua căn hộ và hiện phải trả lãi hàng tháng cho ngân hàng hơn 11 triệu đồng.

Chủ đầu tư đã năm lần bảy lượt cam kết sẽ bàn giao nhà sau khi dự án được tái khởi động, nhưng giờ đây dường như tiếp tục rơi vào bế tắc sau gần 6 năm mòn mỏi chờ đợi. Chúng tôi phải chờ đến bao lâu nữa đây?"

Bà Nguyễn Thu cũng mua nhà tại dự án PetroVietnam Landmark từ quý 4/2011, với tổng giá trị gần 2 tỉ đồng, cho biết gia đình bà đã đóng tiền đúng theo tiến độ và đã đóng đến 90% giá trị hợp đồng nhưng 5 năm nay vẫn chưa nhận được nhà. Để có số tiền mua nhà, gia đình bà phải vay ngân hàng với lãi suất hơn 10%/năm.

Thời gian chờ đợi nhận nhà là thời gian gia đình bà Thu hàng ngày làm việc kiếm tiền trả nợ ngân hàng vừa vốn vừa lãi, trong khi đó lãi phạt của chủ đầu tư do chậm tiến độ thi công thì không được chủ đầu tư đoái hoài đến.

"Hiện dự án đang trong quá trình xây dựng trở lại để bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng chúng tôi vẫn chưa được nhận nhà. Nay lại thêm thông tin dự án bị phong tỏa khiến khách hàng như ngồi trên đống lửa", bà Thu lo lắng.

Theo Quyết định của Toà án Nhân dân TP.HCM, sau khi xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của khách hàng mua căn hộ PetroVietnam Landmark là bà Trần Thị Châu Giang (ở số 18/7 Ngô Thời Nhiệm, Q.3, TP.HCM).

Đồng thời qua xem xét các giấy tờ, tài liệu liên quan xét thấy có các căn cứ chứng minh PVCLand mất khả năng thanh toán, TAND TP.HCM ra quyết định số 52/2017/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với PVC Land (trụ sở tại lầu 6, số 11Bis Nguyễn Gia Thiều, Q.3).

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng đăng báo, đăng tải thông tin về quyết định mở thủ tục phá sản này, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên quản lý, thanh lý tài sản - Bà Nguyễn Thuỵ Anh - địa chỉ 197/3 Nguyễn Kim, P.7, Q.3. Trong đó, nêu rõ các khoản nợ, số nợ phải trả. Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ đó.

Về trường hợp này, một số luật sư cho biết theo quy định của Luật phá sản, về nguyên tắc khách hàng không mất trắng tài sản, nhưng việc khách hàng đòi lại được bao nhiêu tài sản phụ thuộc vào giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi thanh lý.

Với quyết định trên của tòa án, sắp tới Quản tài viên sẽ tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, lập bảng kê khai tài sản, danh sách chủ nợ, ngăn chặn tất cả việc bán, tẩu tán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán... Sau đó sẽ tổ chức Hội nghị chủ nợ và đề xuất với Thẩm phán về việc thu hồi tài sản của doanh nghiệp để bán thanh lý xử lý nợ.

Đối với các khách hàng, phải thực hiện ngay theo yêu cầu của tòa án cung cấp tất cả các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết phá sản. Đối với những tài sản của doanh nghiệp mà khách hàng không thể xác minh được có thể yêu cầu Quản tài viên xác minh hoặc đề nghị tòa án kiểm toán doanh nghiệp.

Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm của doanh nghiệp (có thể dự án PetroVietnam Landmark) bán ra không đủ để thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp.

Thứ tự phân chia tài sản sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động sẽ được ưu tiên. Tiếp theo là nghĩa vụ đối với Nhà nước (nếu có) và khoản nợ trả cho khách hàng...

Các thành viên của doanh nghiệp, cổ đông của doanh nghiệp chỉ được hưởng sau khi đã thanh toán hết nợ mà tài sản của doanh nghiệp vẫn còn.

Trong thời gian mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn được tiếp tục hoạt động kinh doanh nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên. Trường hợp xét thấy người đại diện theo pháp lý của doanh nghiệp có dấu hiệu cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản... Thì Thẩm phán có thể ra quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết căn cứ vào những quy định trên cho thấy người mua nhà sẽ tiếp tục chịu đựng sự mất mát to lớn nếu như công ty PVC Land thực sự phá sản.

Trong đó, một số ngân hàng đã nhận thế chấp dự án cũng là đối tượng khách hàng của dự án sẽ không nằm ngoài vòng xoáy này, nhưng dù sao ngân hàng vẫn ít chịu thiệu bởi họ đang nắm trong tay là toàn bộ dự án này.

"Tuy nhiên, đối những khách hàng đã có đơn khởi kiện chủ đầu tư tại toà án trước đây cũng sẽ được ưu tiên giải quyết thiệt hại trước. Đáng lo ngại nhất là những người không am hiểu về pháp luật, không muốn dính vào sự phiền hà khi làm thủ tục khởi kiện chủ dự án chậm bàn giao nhà...sẽ không được ưu tiên", ông Châu nói thêm.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Đinh Thế Hiển thì cho rằng khi mua căn hộ dự án, người mua gặp nhiều rủi ro hơn so với mua nhà đã có giấy chủ quyền.

Bởi khi mua căn hộ dự án, người mua phải thanh toán, nhận nhà xong một thời gian mới có giấy chủ quyền. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư kéo dài thời gian nhận nhà hoặc ngưng trệ dự án do chủ đầu tư mất khả năng tài chính, và khi đó người mua sẽ có khả năng không nhận được nhà và mất tiền.

Trong khi đó, theo ông Hiển, nhiều ngân hàng hiện nay còn thiếu nghiệp vụ hoặc “tiếp tay” cho chủ đầu tư, cho vay thiếu kiểm soát, khiến người mua có nguy cơ thiệt hại nặng và đối đầu pháp lý trong trường hợp đã đóng tiền gần hết nhưng dự án đã được thế chấp vay vốn.

"Như vậy, các ngân hàng là đối tượng đang nắm đằngcán và họ thừa sức biết rõ tình trạng kinh doanh, tài chính của nhà đầu tư như thế nào nhưng vẫn cố tình cho vay. Một khi dự án có vấn đề xảy ra thì các ngân hàng lập tức phong toả tài sản và cho rằng đây là tài sản đã thế chấp, cuối cùng người mua nhà mất trắng", ông Hiển nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Hiển, với trường hợp này khách hàng đã thanh toán đầy đủ tiền mua nhà thì đó phải là tài sản của họ. Một khi chủ đầu tư bị tuyên bố phá sản thì quyền lợi của họ phải được bảo đảm đầy đủ nhất nhưng sẽ vô cùng nhiêu khê", vị chuyên gia này cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi sáng 2/3, ông Nguyễn Trung Thành - Phó Tổng Giám đốc PVC Land cho biết:

"Chúng tôi đang tích cực giải quyết vấn đề này bởi đang có một sự hiểu nhầm khá lớn mà có thể gây thiệt hại nặng nề cho cả doanh nghiệp và hơn 400 người mua nhà. Một doanh nghiệp đâu phải nói phá sản là phá sản, phải mất ít nhất là 5 năm còn chưa giải quyết xong mọi thủ tục pháp lý.

Hai ngày qua hàng trăm khách hàng có ý muốn tụ tập biểu tình tại công ty chúng tôi, nhưng tôi đã giải thích khá rõ ràng đây chỉ là việc giữa công ty với một cá nhân đã khởi kiện tại toà. Tại sao toà án không ra quyết định phong toả đúng một căn hộ đang có tranh chấp mà lại là cả dự án? Tôi cũng thực sự khó hiểu!".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại