Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã tuyên bố cam kết mở ra một kỹ nguyên mới trong quan hệ với Nga nhưng hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới dường như lại đang lún sâu vào cuộc Chiến tranh Lạnh ở Thế kỷ 21 bằng một cuộc chạy đua vũ trang mới với nhiều vũ khí hiện đại hơn.
Liên Xô không còn nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã đặt mục tiêu khôi phục sức mạnh Quân đội Nga như một ưu tiên hàng đầu dưới quyền lãnh đạo của mình.
Mặc dù viễn cảnh về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nga rất khó xảy ra nhưng chiến thắng gần đây của Moscow tại Syria đã cho thấy, Quân đội Nga hoàn toàn có khả năng vượt trội và áp đảo một nước Mỹ hùng mạnh, ngay cả khi có sự tiếp sức từ các đồng minh khác của Washington.
Những vũ khí nào sẽ được Nga dùng tới?
Giống như Mỹ, Nga hiện đang sở hữu bộ ba lực lượng hạt nhân chiến lược gồm các tên lửa bố trí cả ở trên bộ, trên không và trên biển. Tổng thống Putin cũng vừa thông qua kế hoạch hiện đại hóa cả 3 trụ cột này của Quân đội Nga.
Các vũ khí thuộc chương trình nâng cấp sẽ bao gồm các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm RSM-56 Bulava, các biến thể phóng từ trên không của tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr trang bị cho máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 mới được Nga công bố gần đây.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2. Ảnh: Sputnik
Ngày 26/12/2017, Lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã thử nghiệm thành công RS-12M Topol, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể mang theo đầu đạn hạt nhân được thiết kế để chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ đặt tại châu Âu cũng như tại Mỹ.
Tên lửa này cùng với R2-28 Sarmat (NATO định danh là Satan 2) đã khiến các đồng minh của Mỹ ở NATO tỏ ra lo lắng và ngay cả Mỹ cũng buộc phải đầu tư một khoản tiền lớn để tăng cường sức mạnh cho các hệ thống phòng thủ ở châu Âu, từ bổ sung trang thiết bị, gồm cả công nghệ chống tên lửa, tới việc triển khai tới đây thêm nhiều binh lính.
Mặc dù là một trong những cường quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới nhưng Nga vẫn đang tích cực đẩy mạnh phát triển các vũ khí phi hạt nhân khác nhằm đối phó với một cuộc tấn công thông thường có thể diễn ra trong tương lai.
Số vũ khí này gồm các máy bay ném bom siêu âm tầm xa Tu-22M3M và các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 6 dự kiến thay thế cho Sukhoi Su-57.
Nga cũng là nước có lực lượng xe tăng lớn nhất thế giới và đã tìm cách tăng cường sức mạnh hỏa lực thiết giáp bằng nhiều bổ sung mới như xe tăng T-14 Armata và Xe chiến đấu hỗ trợ tăng (BMPT) Terminator ("Kẻ hủy diệt").
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol trên xe phóng di động. Ảnh: RT
Hải quân Nga cũng sẽ tiến hành các cải cách to lớn. Phát biểu trên hãng thông tấn TASS, Đô Đốc Korolyov - Tư lệnh Hải quân Nga cho biết:
"Hải quân sẽ đặc biệt quan tâm với việc phát triển các lực lượng răn đe phi hạt nhân chiến lược, gồm các tàu chiến trang bị vũ khí tấn công chính xác tầm xa, cải tiến hệ thống căn cứ hải quân và đảm bảo cung cấp cân đối đạn dược".
Tháng 9/2017, tại Syria, Nga đã sử dụng một vũ khí phi hạt nhân có sức công phá lớn nhất thế giới: "Cha của các loại bom" (FOAB) để tấn công các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS).
Những báo cáo gần đây cho thấy, mặc dù có ngân sách, quy mô và số lượng vũ khí lớn, cơ sở hạ tầng của NATO có thể sẽ nhanh chóng bị trấn áp chỉ bằng một đợt tấn công toàn diện của Nga. Liên minh đa quốc gia do Mỹ đứng đầu cũng có thể sẽ không kịp tập hợp đội hình ngay cả trong trường hợp họ nhận được sự trợ giúp từ Trung Quốc.
Nga phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars ngày 20/9/2017