Ấn Độ và Pakistan vần còn đang toán tính những bước đi tiếp theo cho cuộc xung đột giữa hai nước mới bùng phát trong mấy ngày vừa qua. Tuy nhiên, nếu căng thẳng bị đẩy thành một cuộc chiến tranh mới thì theo những số liệu thống kê gần đây nhất, vũ khí Israel có thể sẽ trở thành thế lực thống lĩnh trên chiến trường.
Ấn Độ đã mua của Israel bao nhiêu vũ khí?
Những năm gần đây, Ấn Độ đã trở thành đối tác quốc phòng chủ chốt của Israel khi công nghệ Israel giữ một vai trò khá lớn trong các chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của nước này.
Trong vài năm, giao dịch thương mại quân sự giữa Ấn Độ và Israel đã bùng nổ mạnh mẽ, đạt 6 tỷ USD chỉ riêng giai đoạn 2012 - 2013. Hàng loạt các công ty quốc phòng lớn của Israel đã và đang tìm kiếm chỗ đứng trong thị trường vũ khí Ấn Độ, điển hình như Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Israel (IAI), Tổng công ty Chế tạo các Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael hay Elbit.
Nhiều hợp đồng quốc phòng đã liên tục gia tăng trong suốt những thập kỷ vừa qua. Năm 2003, Tập đoàn Quân sự Israel (IMI) ký thương vụ 20 triệu USD cung cấp đạn xe tăng cho Ấn Độ. New Delhi cũng đã mua súng trường Tavor của Israel. Theo hãng tin UPI, tổng giao dịch vũ trang giữa hai nước giai đoạn 2001 - 2006 đạt 15 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy, năm 2017, Ấn Độ chiếm tới 49% thị phần xuất khẩu vũ khí của Israel.
Mirage 2000 trang bị bom điều khiển Spice-2000 của Israel được Không quân Ấn Độ sử dụng trong vụ tấn công trại khủng bố Jaish-e-Mohammad ở Pakistan ngày 26/2
Theo Flight Global, bom điều khiển chính xác Spice 1000 đã được Israel cung cấp cho Ấn Độ để trang bị cho 36 máy bay chiến đấu đa nhiệm Dassault Rafales, bên cạnh đó là Spice 250 sử dụng cho các tiêm kích phản lực hạng nhẹ Tejas.
Thế nhưng, đây cũng mới chỉ là một phần trong hợp đồng giữa Ấn Độ với Tập đoàn Rafael khi New Delhi còn mua thêm các tên lửa không đối không Python 5, I-Derby ER và hệ thống định vị Litening 5.
Giá trị của những hợp đồng này, theo một báo cáo tiết lộ năm 2016 là 500 triệu USD. Các máy bay Sukhoi-30 của Ấn Độ sau này đã được nhìn thấy trang bị 164 hệ thống Litening. Năm 2017, một bài viết đăng tải trên i-HlS cho thấy một phi đội máy bay Tejas đã tích hợp các tên lửa không đối không I-Derby của Rafael.
Chưa hết, nhiều lực lượng bộ binh Ấn Độ cũng đã tìm đến vũ khí Israel cho các chương trình nâng cấp của họ, trong đó có pháo 155mm, hệ thống phòng vệ chủ động Trophy. Năm 2018, Elbit và Ashok Leyland ký biên bản ghi nhớ cung cấp các hệ thống pháo của Elbit cho Ấn Độ.
Radar cũng là hạng mục giao dịch quan trọng giữa Ấn Độ và Israel. Tháng 10/2018, New Delhi ký một thỏa thuận với Công ty Elta của IAI mua 83 bộ radar và thiết bị tác chiến điện tử ELM-2052. IAI cũng ký một hợp đồng trị giá 550 triệu USD vào tháng 10/2018 cung cấp hệ thống điều khiển và chỉ huy Sky Capture cho quân đội Ấn Độ.
Trên biển, năm 2015, Hải quân Ấn Độ đã thực hiện thành công một phi vụ đánh chặn bằng tên lửa Barak-8 của IAI được phối hợp phát triển cùng với DRDO của Ấn Độ. Tháng 1/2019, IAI tuyên bố ký thêm một hợp đồng nữa trị giá 93 triệu USD.
Tên lửa phóng đi từ tàu khu trục INS Ranvir Hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận trên Vịnh Bengal ngày 18/4/2017. Ảnh: CNN
Vũ khí Israel liên tiếp lâm trận tham chiến
Có một đặc điểm rất đáng chú ý là trong cuộc đối đầu những ngày vừa qua, vũ khí Israel đã liên tiếp được Quân đội Ấn độ đưa ra sử dụng.
Ngày 26/2, Ấn Độ tiến hành một chiến dịch không kích tấn công một trại huấn luyện của tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) nằm trên địa phận khu vực Kashmir do phía Pakistan kiểm soát.
Nhiều hãng truyền thông địa phương dẫn các nguồn tin an ninh Ấn Độ cho biết, Không quân Ấn Độ (IAF) đã sử dụng các máy bay chiến đấu Mirage trang bị tên lửa Spice 200 do Israel chế tạo để tấn công trại huấn luyện của nhóm khủng bố nên trên.
Theo các nguồn tin quân sự Ấn Độ, mỗi quả tên lửa Spice 200 nặng khoảng 1.000 kg, được lập trình trước tọa độ GPS cũng như được trang bị các công nghệ chống gây nhiễu và chống làm chệch hướng.
Trong khi đó, theo tờ Times of India sáng 27/2//2019 Quân đội Ấn Độ đã bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái (UAV) của Pakistan ở gần làng Abdasa thuộc vùng Gujarat. Chiếc UAV này của Pakistan được xác định đã bị bắn hạ bởi tên lửa Derby thuộc hệ thống phòng không SPYDER do Israel sản xuất đang có trong biên chế của Quân đội Ấn Độ.
Như vậy có thể thấy, Israel đã cung cấp cho Ấn Độ rất nhiều công nghệ quân sự, không những giúp New Delhi thu hẹp khoảng cách về công nghiệp quốc phòng mà còn trang bị cho quân đội quy mô lớn của họ những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất.
Tiêm kích hạng nhẹ Tejas Không quân Ấn Độ phóng tên lửa Derby