“Nếu chỉ trồng thứ này, Đồng bằng sông Cửu Long không có cách nào giàu được”

Minh Hằng |

Trước những thách thức về biến đổi khí hậu, tác động thượng nguồn sông Mekong… theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần thay đổi để vươn mình.

Thông tin này được bà Phạm Chi Lan đưa ra ở Diễn đàn Mekong Connect 2024 vào sáng 18/12.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, biến đổi khí hậu có những tác động rõ rệt lên vùng ĐBSCL và thậm chí còn sớm hơn cả dự báo của Liên Hợp Quốc.

Minh chứng là dự báo trước đây phải đến 2050 hay năm 2100 mới có những tác động lớn. Tuy nhiên, năm 2016, vùng này đã xảy ra đợt hạn hán kỷ lục. Nguyên nhân được cho là đến từ biến đổi khí hậu và tác động từ thượng nguồn sông Mekong.

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển sang phát triển xanh và bền vững, bà Phạm Chi Lan cho rằng, ngành nông nghiệp tại miền Tây cần phải chú trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng với hệ sinh thái và sử dụng tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước.

 - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại Diễn đàn Mekong Connect 2024. Ảnh: NB

Theo bà Phạm Chi Lan, để vùng ĐBSCL vươn mình, cần phải tận dụng nhiều cơ hội như Nghị quyết 120 của Chính phủ về chuyển hướng phát triển thuận thiên, đồng thời cơ chế trao quyền, phân cấp tối đa cho địa phương. Cụ thể, các tỉnh có thể chủ động đưa ra các quyết sách phù hợp và không trông chờ xin ý kiến. Bên cạnh đó, với phương châm phát triển thuận thiên, vùng ĐBSCL có thể chuyển trọng tâm sang thủy sản, cây ăn trái, thay vì chỉ tập trung vào cây lúa.

Bà Lan nhận định, nếu chỉ trồng lúa thì ĐBSCL không có cách nào giàu được. Bởi chỉ dựa vào lúa gạo không thôi thì không có cách nào làm cho đời sống của người dân vùng ĐBSCL khá lên. Do đó, vùng phải tự khắc phục các điểm yếu, đồng thời phải tự cởi trói để vươn mình nhằm đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo vị chuyên gia này, cách thức mà ĐBSCL chuyển đổi sang thuận thiên và đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua là rất đúng hướng.

Tiềm năng phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL

 - Ảnh 2.

Ông Anderson Tan, Giám đốc Công ty Accelebator Singapore, chia sẻ tại tọa đàm thuộc Diễn đàn Mekong Connect 2024. Ảnh: BSA Media

Tại tọa đàm "Nguồn vốn đầu tư cho liên kết bền vững", ông Anderson Tan, Giám đốc Công ty Accelebator Singapore cho rằng, Singapore nhìn Việt Nam với con mắt ngưỡng mộ và "ganh tỵ" vì Việt Nam có quá nhiều nguồn lực và sự ưu đãi của thiên nhiên. Nếu tiềm năng này được hiện thực hóa thì sẽ mang lại lợi ích rất lơn. Bởi hiện nay Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp.

Ông Anderson Tan nhận định rằng, ĐBSCL là một thị trường tiềm năng. Theo ông, khi diễn đàn Mekong Connect có thể hội tụ các địa phương, chuyên gia cũng như doanh nghiệp toàn vùng như một cái hub thì các nhà đầu tư, chẳng hạn như các nhà đầu tư Singapore, chỉ cần phải tìm đến đó và có thể tìm thấy những cơ hội đầu tư của mình, thay vì việc họ phải đi khắp cả vùng ĐBSCL rộng lớn.

Khu vực ĐBSCL có diện tích trên 40.000 km2 và dân số trên 20 triệu người. ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển, khi là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới. Đây là nơi đóng góp trên 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% trái cây và 60% sản lượng thủy sản của nước ta. Thế nhưng, đây cũng là vùng đất phải chịu nhiều tổn thương cũng như thách thức của biến đổi khí hậu, sụt lún, xâm nhập mặn, khan hiếm nước ngọt…

Mekong Connect là diễn đàn thường niên và là cầu nối giữa các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với cả nước. Diễn đàn này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015. Năm nay, Mekong Connect có chủ đề là "Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ giữa ĐBSCL - TP HCM và cả nước hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại