PGS. Bùi Công Toàn chia sẻ, nhiều người hiện nay thường quan niệm, ung thư là án tử và buông xuôi tất cả. “Tuy nhiên, đứng trên phương diện một bác sĩ chuyên điều trị và nghiên cứu về ung thư lâu năm, xin khẳng định ung thư không phải là…. dấu chấm hết” – PGS. Toàn nói.
Theo PGS. Toàn, khi điều trị bệnh ung thư phải phối hợp cả phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Theo nghiên cứu, trong vòng 3 năm trở lại đây, khi áp dụng phác đồ hóa trị, xạ trị trước và sau phẫu thuật chưa có trường hợp bệnh nhân nào bị tái phát bệnh hay tử vong sau 1 năm áp dụng.
Người bệnh được hóa trị, xạ trị trước khi phẫu thuật và cả sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư, tránh khả năng tái phát của tế bào này nhiều nhất.
Sử dụng kết hợp 3 phương pháp này như một thế kiềng 3 chân, hỗ trợ lẫn nhau. “Khối u thì sẽ phẫu thuật cắt đi, chỗ hạch không cắt đi toàn bộ được thì sẽ xạ trị và toàn thân sẽ điều trị bằng hóa chất” – BS. Toàn nói.
PGS. Toàn cho biết thêm, đối với căn bệnh ung thư đại trực tràng, kể cả khi phát hiện ở giai đoạn muộn, có trường hợp di căn vào gan, thậm chí, di căn lên cổ, nếu tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh vẫn có cơ hội kéo dài sự sống.
Những kết quả này đã được các bác sĩ Việt Nam thực hiện nghiên cứu qua nhiều năm và được bảo vệ trong nhiều đề tài nghiên cứu.
Theo PGS. Bùi Công Toàn, khi điều trị bệnh ung thư phải phối hợp cả phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.
Chỉ phẫu thuật không đã đủ sức chiến thắng ung thư?
Nhiều người hiện nay chưa hiểu hết về ung thư và cách điều trị ung thư dẫn tới những suy nghĩ cực đoan. Có người đồng ý phẫu thuật nhưng sau đó lại không tuân thủ phác đồ truyền hóa chất, không xạ trị làm mất đi cơ hội kéo dài sự sống.
Theo PGS. Toàn, không ít bệnh nhân phát hiện ung thư đại trực tràng cách đây hơn 20 năm và khi tuân thủ đúng phác đồ điều trị trên đã sống khỏe mạnh. Nhiều người bệnh phát hiện bệnh khi ngoài 50 tuổi và hiện nay, đã ngoài 70 tuổi, có người ngoài 80 tuổi nhưng vẫn sống khỏe.
Hiện nay, Việt Nam đã ứng dụng theo các phác đồ điều trị bệnh ung thư hiện đại nhất của Thế giới như phác đồ điều trị của Mỹ. Người bệnh được hóa trị, xạ trị trước khi phẫu thuật. Phẫu thuật xong, lại được tiếp tục hóa trị, xạ trị để loại bỏ tế bào ung thư, tránh khả năng tái phát của tế bào này nhiều nhất.
PGS. Toàn cho biết, cách đây 30 năm, Việt Nam mới chỉ tiến hành phẫu thuật trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, nếu chỉ phẫu thuật, cắt đi toàn bộ khối u mà không thực hiện thêm các biện pháp hóa trị hay xạ trị thì tái phát ngay trong 1 năm đầu lên tới 79%.
“Nếu chỉ phẫu thuật tức là cắt bỏ đi khối u ác thì những tế bào ung thư rất nhỏ vẫn còn tồn tại trong cơ thể và có thể di căn, sinh sôi ở những nơi khác trong cơ thể. Vì vậy, chỉ phẫu thuật không trong điều trị ung thư không mang lại cơ hội sống nhiều cho bệnh nhân”.
Sau đó, y học phát triển, phác đồ điều trị ung thư đã thêm bước chiếu tia xạ trước khi phẫu thuật làm giảm hẳn tỷ lệ tái phát bệnh trong năm đầu. Theo thống kê, chỉ còn 30 % bệnh nhân bị tái phát bệnh trong 1 năm đầu. Bệnh viện K trung ương đã áp dụng phương pháp này cách đây 25 năm trước.
Hiện nay, áp dụng cả phương pháp hóa trị và xạ trị tiền phẫu thì tỷ lệ bệnh nhân tái phát bệnh trong 1 năm đầu chỉ còn 11%.
Trong quá trình thực hiện hóa, xạ trị, có thể có những tác dụng phụ không mong muốn như: Người bệnh có thể bị ảnh hưởng các chức năng tim, gan…. Nhưng, tất cả những điều này đều được lường trước theo sự tính toán của người thầy thuốc và không ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.
PGS. Toàn khẳng định lại một lần nữa, ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng hiện không còn là nỗi đáng sợ. Điều quan trọng là không được đầu hàng. Nếu phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, người bệnh có cơ hội điều trị khỏi bệnh, sống khỏe tới già.