Nếu cha mẹ làm được điều này sẽ giúp con tự tin, hạnh phúc hơn

Hiểu Đan |

Trên con đường trưởng thành, không ai không mắc sai lầm. Hãy khoan dung hơn, thoải mái hơn và đừng quá câu nệ những chuyện vặt vãnh.

Hai ngày trước, có một bài viết của một nữ blogger thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc: Con gái 5 tuổi của cô ấy lỡ tay làm vỡ cốc, sữa và mảnh thủy tinh vỡ văng khắp nơi. Bé thấy mình làm sai thì hoảng sợ, đứng im không dám di chuyển.

Bà nội nghe thấy động tĩnh bên ngoài liền lập tức chạy đến bên cháu, ôm lấy dỗ dành: "Này, con vô ý làm đổ sữa phải không? Bà nội biết con không cố ý. Sau này con phải cẩn thận hơn nhé. Bây giờ con ngoan ngoãn đứng sang một bên, bà nội dọn dẹp phòng khách, nếu không mảnh vỡ sẽ làm con đau chân".

Sau khi nghe bà nội nói xong, cô bé lập tức nở một nụ cười trên gương mặt đang căng thẳng, nói: "Con biết rồi, lần sau con sẽ cẩn thận. Để con vào bếp lấy chổi nhé!". Nữ blogger cho biết, bao giờ cũng vậy, cách ứng xử tinh tế của mẹ chồng khiến cô vô cùng ngưỡng mộ.

Nếu cha mẹ làm được điều này sẽ giúp con tự tin, hạnh phúc hơn - Ảnh 1.

Cả gia đình cũng như bộ máy photocopy vậy, bố mẹ là bản gốc, con cái chính là bản sao. Trước khi kỳ vọng và yêu cầu từ con cái, bạn cần nhìn nhận mọi vấn đề từ bản thân một cách đúng mực. (Ảnh minh họa)

Nghe câu chuyện này, nhiều người cho biết, họ rơi nước mắt vì liên tưởng tới hoàn cảnh bản thân. Họ hình như đã nhìn thấy chính mình khi 5 tuổi, vô tình làm vỡ một cái bát, đã bị mẹ mắng và đánh đòn.

Sau đó, mẹ thỉnh thoảng lại đề cập đến vấn đề này, nói rằng con mình thật hậu đậu, không biết thương cha mẹ. Chỉ vì sơ sẩy làm vỡ cái bát, để bố mẹ phải bỏ tiền ra để mua lại... Kết quả là đứa trẻ luôn căng thẳng và chán nản, không dám mắc lỗi, cảm thấy bất an và sợ hãi.

Cha mẹ hãy khoan dung hơn với con, đừng câu nệ chuyện vặt vãnh

Một bà mẹ trẻ đến hỏi một vị giáo sư: "Con tôi không nghe lời, không thích học vậy phải làm thế nào ạ?". Vị giáo sư mỉm cười hỏi lại: "Chị đã từng đi photo chưa? Nếu trên bản photo có chữ lỗi vậy chị sẽ sửa bản photo hay bản gốc?". Từ đây có thể thấy, cả gia đình cũng như bộ máy photocopy vậy, bố mẹ là bản gốc, con cái chính là bản sao. Trước khi kỳ vọng và yêu cầu từ con cái, bạn cần nhìn nhận mọi vấn đề từ bản thân một cách đúng mực.

Những bậc cha mẹ kém cỏi luôn quá coi trọng những chuyện vặt vãnh, khiến mặc cảm tự ti của con ăn sâu vào xương tủy. Chẳng hạn như làm vỡ một cái bát vài chục ngàn, làm rơi một miếng thịt trong bữa ăn, làm vỡ một món đồ chơi, đá vào thùng rác, làm đổ đồ đạc, sữa,… Đây đều là những sai lầm không cố ý, hậu quả để lại hoàn toàn không đáng kể. Nhưng nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng đứa trẻ đã phạm phải một sai lầm rất lớn, như thể ngày tận thế sắp đến, la hét con vô tội vạ, xúc phạm và đổ lỗi cho con mình.

Trong không khí gia đình như vậy, cảm giác an toàn của trẻ sẽ rất thấp. Chúng sẽ rất tự ti và thận trọng, làm mọi việc một cách rụt rè. Chúng sợ làm sai điều gì sẽ bị mọi người gièm pha, chỉ trích nên không dám nhờ bố mẹ giúp đỡ.

Đồng thời, khi làm sai điều gì, vì sợ cha mẹ trách móc nên phản ứng đầu tiên của trẻ thường là nghĩ đến việc che giấu, chối tội. Một đứa trẻ như vậy không chỉ sống trong đau đớn và chán nản, không có bất kỳ cảm giác hạnh phúc nào, mà còn giỏi trốn tránh trách nhiệm mỗi khi có chuyện gì xảy ra. Như vậy, làm sao cha mẹ có thể kỳ vọng con trở thành người tự tin, vượt sóng đạp gió thành đạt sau này?

Điều một gia đình sợ nhất không phải là nghèo đói mà là xích mích nội bộ, và điều con cái sợ nhất không phải là thiếu thốn vật chất mà là sự mắng mỏ, áp chế thường xuyên của cha mẹ. Đối với trẻ em, ngôi nhà nên là nơi trú ẩn ấm áp, thư giãn, an toàn. Trên con đường trưởng thành không ai không mắc sai lầm. Hãy khoan dung hơn, thoải mái hơn và đừng quá câu nệ những chuyện vặt vãnh. Nếu làm được vậy, con sẽ trưởng thành tự tin và hạnh phúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại