Những ngày cuối năm thế này, đi ngoài đường, bạn thấy gì? Cây thông Noel la liệt từ quán cà phê nhỏ tới quán ăn to và đương nhiên, làm sao có thể không kể đến các chương trình "sale sập sàn" mùa lễ hội cơ chứ?
Black Friday đậm sâu chưa qua được bao lâu đã tới đợt sale mừng Noel, đón năm mới. Độ hấp dẫn, mời gọi thì chắc chắn không cần phải bàn.
Giờ hãy thử tự hỏi bản thân một câu thế này: "Tết năm nay, bạn có tự tin biếu bố mẹ mỗi người 5 triệu không?".
Nếu câu trả lời là có, tình hình tài chính của bạn đang ổn hơn khá nhiều người. Nếu câu trả lời là không, đây là 3 cạm bẫy phù phiếm mà bạn nên tránh trong dịp cuối năm, để ví không rơi vào cảnh thoi thóp.
1 - Đồ trang trí Giáng sinh
Trang trí nhà cửa không đồng nghĩa với đầu tư cho không gian sống, đừng vội đánh đồng hai khái niệm này, kẻo sinh nhầm lẫn. Hành vi mua sắm để đầu tư cho không gian sống chỉ đáng hoan nghênh khi sự đầu tư ấy thực sự giúp cuộc sống của bạn trở nên tiện nghi hơn mà thôi.
Ảnh minh họa
Mua cây thông, đèn nháy và hằng hà sa số những món đồ để trưng trong vài tuần, cùng lắm là 1 tháng, để làm gì? Nếu câu trả lời bạn tìm được chỉ đơn giản là "để cho đẹp", "để bắt trend",... thì hãy nhớ không gian sống đẹp mà không giúp bạn bớt nghèo, đó là vẻ đẹp hoàn toàn vô nghĩa.
2 - Váy dạ tiệc hay những trang phục lộng lẫy "chỉ mặc 1 lần rồi cho về hưu"
Là dân công sở, chắc hẳn ai cũng biết trước khi chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, chúng ta còn có một sự kiện khá đặc biệt khác, chính là Year End Party - Tiệc tổng kết cuối năm, nôm na là thế.
Ảnh minh họa
Đã gọi là tiệc, đương nhiên, hội chị em kiểu gì cũng muốn lên đồ thật lộng lẫy. Nhiều người thậm chí đã bắt đầu công cuộc săn đồ đi tiệc cuối năm từ bây giờ, dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết.
Việc này, tại sao lại là là một sự phù phiếm ư? Váy dạ hội không phải là thứ bạn có thể mặc hàng ngày (trừ khi bạn không ngại việc mọi người nhìn mình với ánh mắt kỳ thị vì lộng lẫy quá lố), đồng nghĩa với tính ứng dụng không cao.
Chưa kể, mặt hàng này dù có giảm sâu cũng hiếm khi nào có giá dưới 800k-1.000k. Bỏ ra chừng đó tiền để mua một món đồ mà bản thân chỉ mặc 1 lần, cùng lắm là 2-3 lần trong năm, chụp vài tấm hình "cúng Facebook" rồi cất trong xó tủ, như thế không phải phù phiếm thì là gì?
Hơn nữa, dạ tiệc cuối năm không phải sự kiện kén vợ của Hoàng tử và chúng ta cũng chẳng phải cô Tấm. Nếu vẫn muốn lộng lẫy vì biết đâu đấy lại va trúng chân ái cuộc đời, hãy thuê váy, đừng mua!
3 - Các dịch vụ "đảo ngói", uốn nhuộm theo xu hướng
Uốn xoăn, hấp nhuộm, cắt tỉa,... nói chung là tất cả những dịch vụ mang tới cho mái tóc của bạn một "giao diện" mới đều có thể được gọi là "đảo ngói" - Cụm từ có tính văn nói mà giới trẻ hay dùng với nhau.
Năm nào cũng thế, càng sát Tết, con gái lại "vò đầu bứt tai" sắp xếp lịch làm việc với lịch làm tóc, có khi còn phải đặt chỗ trước cả 1 tuần. Những thanh niên trai tráng thích chải chuốt, mê bóng bẩy đôi khi cũng cùng chị em tham gia cuộc đua này.
Nói một cách công tâm, làm tóc để đón Tết là mong muốn hoàn toàn chính đáng. Không ai muốn và cũng không ai nên vác một cái tổ quạ từ năm cũ sang năm mới. Nhưng nếu bạn chưa tự tin khẳng định mình có thể biếu bố mẹ mỗi người 5 triệu trong Tết này, hoặc lúc nào cũng có cảm giác "sao mình nghèo thế nhỉ?", tốt nhất, bạn chỉ nên đi cắt tóc thôi.
Ảnh minh họa
Gọn gàng cũng đã là một vẻ đẹp rồi. Và đừng quên, chỉ cần bạn ngồi xuống 1 chiếc ghế trong hair salon, ngay lập tức, da đầu, chân tóc và đuôi tóc của bạn sẽ gặp cả ngàn vấn đề nghiêm trọng cần phục hồi sâu. Ban đầu xác định chỉ đầu tư 500-700k cho mái tóc, đến khi ra về, hóa đơn lại chình ình một dãy 6 số 0. Điều này, con gái còn lạ gì nữa đâu, đúng không?
Tóm lại, nếu bạn còn cảm thấy bản thân đang hơi nghèo, hãy tỉnh táo và giữ mình trước khi đưa ra bất cứ quyết định mua sắm, chi tiêu nào vào dịp cuối năm này. 3 "cái bẫy" lớn nhất cần tránh, chúng tôi đã liệt kê cả rồi. Có sập bẫy hay không là do bạn cả thôi.