"Xích" thời gian Đại hội Đảng và bầu Quốc hội
Nói về việc phải kiện toàn nhân sự ngay chứ không phải đợi đến tháng 7/2016 khi nhiệm kỳ Quốc hội XIII kết thúc và Quốc hội XIV ra mắt, ông Lê Minh Thông, Phó Tổng thư ký Quốc hội cho biết:
"Tất cả các công tác cán bộ đều tuân thủ quy định của Đảng. Pháp luật chỉ cụ thể hoá các quy định của Đảng. Các cơ quan có trách nhiệm đã chuẩn bị cán bộ rất kỹ lưỡng.
Các vị được bầu vào Ban chấp hành Trung ương đã qua rất nhiều công đoạn đánh giá, bầu cán bộ rồi. Có thể nói, đó là những người rất xứng đáng để được bầu vào các vị trí lãnh đạo.
Bầu các vị vào Ban chấp hành Trung ương để từ đó đảm nhận các vị trí lãnh đạo bộ máy nhà nước vì Đảng ta là Đảng cầm quyền.
Vấn đề là khoảng cách giữa bầu Quốc hội và Đại hội Đảng hơi xa, nên có lẽ phải nghiên cứu các phương án để Đại hội Đảng xong thì có thể bầu Quốc hội được, rút ngắn khoảng thời gian lại. 6 tháng là thời gian dài trong nền quản trị hành chính quốc gia.
Tốt nhất khi thay đổi vị trí nào trong Đảng rồi thì thay đổi ngay vị trí trong bộ máy nhà nước để đảm bảo tính liên tục, đồng bộ, hiệu quả hơn.
Các đồng chí không được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương do quá tuổi, quá nhiệm kỳ thì đều đã chuẩn bị tâm thế.
Nếu không được bầu vào Ban chấp hành TƯ thì tới đây sẽ không tiếp tục làm Bộ trưởng... tất cả đã chuẩn bị hết tâm thế rồi, tư tưởng rồi nên không có gì là bị động cả. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian 1 tháng hay 2 tháng thôi", ông Thông nói.
Thưa ông, trước đây khi tính phương án rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, chúng ta đã tiến hành rút ngắn lại thời gian rồi. Vậy, tại sao tới giờ vẫn chưa rút kinh nghiệm?
Vấn đề thực tiễn đặt ra thì chúng ta tiếp tục phải nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện. Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII là một thực tiễn. Nhưng chúng ta thấy điều đó chưa đáp ứng được nhu cầu nên tiếp tục phải nghiên cứu.
Như vậy, về mặt kỹ thuật có thể “xích” hơn thời gian Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội hơn không, thưa ông?
Tôi nghĩ về mặt kỹ thuật là có.
Theo ông, hiện nay chúng ta còn có những khó khăn gì đối với việc này?
Vì Luật bầu cử ấn định ngày bầu cử, nên phải sửa lại luật bầu cử thôi.
Ngoài việc tính toán để thời gian bầu Đại hội Đảng và Quốc hội xích lại gần nhau thì có thể tính tới phương án về tính nhiệm kỳ với từng cá nhân sau khi được bầu?
Phương án như thế nào thì phải có nghiên cứu đánh giá, tổng kết chứ không thể ai nói cần phải thế nào. Mọi đề xuất đưa ra phải được nghiên cứu thấu đáo, tổng kết thực tiễn.
Chúng ta nhận thức sâu sắc những gì chưa thực tiễn thì phải đổi mới, nhưng đổi mới cũng phải rất thận trọng. Có đề xuất, thảo luận, tranh luận ... để đưa ra phương án tối ưu.
Có phải bầu lại?
Một vấn đề đặt ra, đó là nếu các nhân sự, lãnh đạo mới được bầu vừa qua mà không trúng cử ĐBQH khóa XIV tới đây thì khả năng sẽ phải bầu lại?
Tuỳ thực tiễn mà xử lý tình huống thôi. Vấn đề quan trọng nhất là các đồng chí lãnh đạo vừa được bầu để kiện toàn bộ máy nhân sự nhà nước trong khuôn khổ nhiệm kỳ khoá 13.
Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV cử tri phải bầu ĐBQH đã, đồng chí phải trúng ĐBQH đã. Lúc ấy thì sẽ bầu theo luật.
Nếu không trúng ĐBQH thì phải xem vị trí đó có cần thiết phải là ĐBQH hay không, ví như vị trí Bộ trưởng thì không nhất thiết phải là ĐBQH, chỉ những chức danh nào theo quy định của Luật thì lúc đó mới gắn kết kết quả bầu ĐBQH.
Tất cả việc bầu chức danh lãnh đạo tại kỳ họp thứ 1 Quốc hội khoá XIV đều phải tuân thủ Luật tổ chức Quốc hội và của kỳ họp. Nghĩa là đều phải bầu đúng quy trình như vậy.
Một số ý kiến cho rằng, kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII chúng ta đã bầu nhân sự rồi, đến kỳ họp đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV lại bầu lại, quy trình bầu vẫn như vậy... thì có lãng phí. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
Phải hiểu như thế nào là lãng phí, nếu thực tiễn cần thì vẫn phải làm. Nếu cứ giữ tư duy lãng phí hay không thì chúng ta sẽ rất khó xử lý vấn đề thực tế.