Cơ hội để trở thành triệu phú?
Trong Báo cáo về Tài sản Toàn cầu năm 2022, tập đoàn tài chính Credit Suisse Group AG của Thụy Sỹ cho biết, đến năm 2026, chúng ta sẽ có hàng triệu triệu phú: hơn 87,5 triệu triệu phú trên toàn cầu.
Tại Ấn Độ, triệu phú trẻ nhất theo danh sách người giàu có tại Ấn Độ vừa được công bố cuối năm 2022 thậm chí chỉ mới 19 tuổi. Đó là Kaivalya Vohra, gây chú ý bởi khối tài sản vào khoảng 120 triệu USD sau khi sáng lập công ty khởi nghiệp về giao hàng Zepto vào năm 2021.
Có thể thấy, ngày càng có nhiều triệu phú và tỷ phú trên khắp hành tinh. Một số người có được của cải nhờ may mắn, nhưng phần nhiều là họ sở hữu ý chí để biết cách tích lũy lâu dài. Nếu không, tất cả của cải có được đều “đổ sông đổ biển” theo thời gian.
Chẳng hạn, nếu bất ngờ trúng số 1 triệu đô, bạn sẽ làm gì đầu tiên? Đó là một câu hỏi giả thuyết được đặt ra bởi bất cứ ai đã từng mơ ước giành được một khối tài sản khổng lồ.
Kutey và vợ Linda (Mỹ), những chủ nhân thực sự của một giải độc đắc Mega Millions trị giá 28,9 triệu đô la vào năm 2011, đã quyết định quyên góp một phần tiền thắng cược để xây dựng công viên nước với mục đích vinh danh cha mẹ mình.
Nigel Willetts (Anh), một chủ cửa hàng kinh doanh đồ uống, đã giành được 1 triệu bảng vào năm 2014 sau khi vô tình mua một vé số. Ông quyết định “tạm nghỉ hưu” để sử dụng số tiền này và đi du lịch khắp thế giới cùng 13 thành viên trong gia đình.
Roger Griffith, một người đàn ông may mắn khác, lại lựa chọn sử dụng số tiền trúng thưởng Lotto trị giá 1,8 triệu bảng để mua ngôi nhà mơ ước với mức giá là 670.000 bảng vào năm 2006. Người đàn ông cũng quyết định nghỉ hưu sớm, mua một chiếc Porsche và hai ngôi nhà khác để cho thuê, đầu tư vào thị trường chứng khoán. Thật không may, sáu năm sau, ông không còn một xu nào.
Evelyn Adams (Mỹ) may mắn sở hữu tới 5,4 triệu USD từ tiền trúng số trong năm 1985 và 1986. Cảm thấy may mắn, cô mang tiền đến các sòng bạc ở Atlantic City. Đến năm 2016, Evelyn không một xu dính túi.
Có thể thấy, sở hữu tài sản là một việc, còn quản lý và duy trì khối tài sản đó lại là một việc hoàn toàn khác.
Tom Corley, một chuyên gia quản lý tài sản ở Hoa Kỳ, đã khẳng định rằng: “Cách một người duy trì sự giàu có cũng quan trọng không kém cách mà họ trở nên giàu có.”
Có thể thấy rằng, với mỗi một sự lựa chọn khác nhau, khoản tiền trúng số sẽ đi vào những hoạt động khác nhau. Có hoạt động khiến tiền ngày một ít đi, cũng có hoạt động giúp “tiền đẻ ra tiền”. Do đó, đôi khi chúng ta có thể may mắn thu hoạch một khoản tài chính khổng lồ, nhưng nếu thiếu đi ý chí để biết cách tích lũy lâu dài thì cũng có ngày mất hết.
Sau khi dành 5 năm để nghiên cứu thói quen của 233 triệu phú tự thân, Tom Corley đã đúc kết ra rằng: Hầu hết những người trở nên giàu có và biết cách duy trì sự giàu có của họ lâu dài đều có điểm chung này.
Không bao giờ ra quyết định bốc đồng
Cho dù sở hữu tài phú đủ để bốc đồng nhưng người giàu ít khi nào cho phép bản thân được đưa ra quyết định tài chính một cách bốc đồng, cho dù là với công việc, sự nghiệp hay tiêu dùng cá nhân.
Phần lớn tài sản của họ luôn chảy vào các lĩnh vực đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và các cơ hội kinh doanh khác. Họ theo dõi dòng tiền một cách cẩn trọng, luôn nắm bắt chính xác nó được sử dụng ở đâu, đem tới tác dụng gì, cũng như kịp thời đưa ra quyết định điều chỉnh trong thời điểm quan trọng.
Vị chuyên gia cho rằng: “Đừng bao giờ đặt bản thân vào tình thế bốc đồng, hấp tấp. Những quyết định đó chỉ đem về những thứ mà bạn không thực sự cần thiết, lại không tạo ra bất cứ lợi ích nào.”
Thay vì chỉ nghĩ đến nghỉ hưu sớm và tận hưởng số tiền còn lại, họ xây dựng ý chí tích lũy lâu dài. Điều này giúp họ luôn kiểm soát cuộc sống của mình trong phạm vi “an toàn”.
Chẳng hạn như, khi mua một ngôi nhà có giá khiêm tốn ở một vị trí bình thường, họ chỉ phải chi trả tiền thế chấp thấp hơn, thuế bất động sản thấp hơn, chi phí tiện ích thấp hơn, chi phí bảo trì nhà cửa thấp hơn… Một quyết định có thể dẫn tới phản ứng dây chuyền hàng loạt, giúp họ tiết kiệm rất nhiều chi phí không cần thiết.
Ngược lại, những người tự thấy thỏa mãn khi có một triệu USD trong tay, để mặc cho tâm trí tận hưởng thì sớm muộn bạn cũng rơi vào cái bẫy tài chính khắc nghiệt. Do đó, dù có ăn nên làm ra từ kinh doanh hay may mắn trúng một số tiền lớn, điều quan trọng là đừng nên thay đổi tiêu chuẩn cuộc sống ban đầu của mình.
Corley nhận thấy rằng, thay vì dựa vào một kỹ năng để kiếm tiền, những người giàu có tạo ra nhiều nguồn thu nhập. Trong số những triệu phú được khảo sát thì có tới 65% có ít nhất ba nguồn thu nhập.
Giống như ý chí tích lũy lâu dài trong chi tiêu, họ cũng sở hữu sự bền bỉ trong quá trình tích lũy tài sản. Để tạo ra của cải phải mất một thời gian dài và bạn phải học cách kiên nhẫn.
*Nguồn: Business Week