Mới đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khiến người hâm mộ và cộng đồng mạng bất ngờ khi chia sẻ clip livestream kể về nỗi khổ “gánh nợ” hơn 20 tỉ đồng cho mẹ ruột trong nhiều năm qua.
Điều đặc biệt là người sinh thành ra anh thường xuyên lấy danh nghĩa nam ca sĩ để vay mượn bạn bè, thậm chí cả fan của anh.
Nếu rơi vào tình cảnh như Đàm Vĩnh Hưng khi bố mẹ ghi giấy nợ giống mẹ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, bạn có phải trả tiền không?
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia đình – đoàn luật sư TP HCM, xét về luật, bạn hoàn toàn không có nghĩa vụ phải trả khoản tiền nợ đó.
Cụ thể, theo quy định tại điều 471 Bộ luật dân sự 2005 quy định về Hợp đồng vay tài sản như sau:
"Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định".
Như vậy, theo quy định về hợp đồng vay tài sản thì chủ thể đứng vay là người phải trực tiếp trả nợ vay, bên nhân danh người khác để vay nợ đều không có giá trị nếu bên được nhân danh không đồng ý hoặc không biết. Người vay vẫn phải trả khoản nợ vay và bên được nhân danh không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì.
Pháp luật cũng cấm việc nhân danh người khác để thực hiện vay tài sản hoặc thực hiện các giao dịch khác khi nhân danh một bên thứ ba mà không có sự đồng ý của họ.
Theo đó, trong trường hợp của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (như anh chia sẻ gần đây), thì ca sĩ này hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm trả nợ cho mẹ đẻ của mình theo đúng pháp luật.