Ngày 26/3, Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định địa điểm, bắt được hai người liên quan trong vụ việc bé trai bị bạo hành, nghi bị ép sử dụng ma túy.
Hai người này là Lê Văn Bậm (44 tuổi) và Nguyễn Thảo Nguyên (23 tuổi, ngụ quận Tân Bình). Công an bắt giữ hai người để làm rõ về hành vi bạo hành, cho bé trai 3 tuổi (là con của Nguyên) sử dụng ma túy.
Bé trai bị Bậm cho sử dụng ma túy, trong khi người mẹ dùng điện thoại quay lại clip. Ảnh chụp từ màn hình.
Bậm chính là người đàn ông xăm trổ trong các clip lan truyền trên mạng xã hội về nội dung bạo hành, cho bé TNAT 3 tuổi hút chất nghi ma túy trước sự chứng kiến và quay clip của Nguyên.
Sau thời gian truy tìm, công an đã ập vào một địa điểm trên địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM đưa Bậm và Nguyên cùng bé AT về trụ sở để làm việc. Ban đầu cả hai khai nhận vụ việc chỉ là do đùa giỡn chứ không có ý định làm hại gì đến bé. Nguyên khóc, cho rằng bé là con ruột của mình, không có cố ý làm tổn thương con và mong muốn bé không bị tách khỏi mẹ. Bậm là người sống như vợ chồng với Nguyên.
Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, có hành vi bị pháp luật nghiêm cấm
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, nội dung khách quan của vụ việc, các hành vi vi phạm và trách nhiệm pháp lý cụ thể cho người vi phạm (nếu có) như thế nào thì còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, nếu nội dung clip là khách quan, chất mà cháu bé hút là ma túy đá thì đây là vụ việc rất nghiêm trọng, có hành vi bị pháp luật nghiêm cấm (Cấm “ bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em”) theo quy định tại Khoản 9 Điều 6 Luật trẻ em năm 2016, đó không chỉ trái pháp luật mà còn rất phi đạo đức, rất đáng bị lên án và gây phẫn nộ lớn trong xã hội, cần phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Vụ việc lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người bàng hoàng, căm phẫn.
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, ma túy đá là chất cấm, gây nguy hại rất lớn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người sử dụng, nhất là đối với trẻ em. Do đó, nếu bé trai bị ép sử dụng ma túy đá thì hành vi này đã xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và sự phát triển của cháu bé, đặc biệt là khi cháu bé vẫn còn quá nhỏ, mới khoảng 03 tuổi. Và vụ việc đã có dấu hiệu của “Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy”, với tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội “đối với người dưới 13 tuổi”, có khung hình phạt là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm (điểm c Khoản 3 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra cũng cần xác minh, làm rõ có hay không các hành vi bạo hành, đối xử tàn ác đối với bé trai, để xem xét và xử lý về “ Tội hành hạ người khác” (nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm), với tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội “đối với người dưới 16 tuổi”, có khung hình phạt là phạt tù từ 01 năm đến 03 năm (điểm a Khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).
“Ngoài ra, nếu chất mà cháu bé hút được kết luận là ma túy đá thì Cơ quan điều tra cũng cần phải làm rõ một số nội dung khác có liên quan, đó là có hay không hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, để xử lý theo quy định của pháp luật”- luật sư Hùng phân tích.
Trong vụ việc này, theo luật sư Hùng, vai trò và trách nhiệm của người mẹ cháu bé cũng cần phải được điều tra làm rõ. Nếu người mẹ có sự “thông đồng”, cố ý cùng người tình thực hiện các hành vi vi phạm, thì người này cũng phải bị xử lý và chịu trách nhiệm pháp lý trong vai trò đồng phạm với người tình. Trong trường hợp bị kết luận có các hành vi vi phạm như trên thì người mẹ sẽ thuộc trường hợp bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên theo quy định tại 85 Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Cụ thể: Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây: “a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; b) Phá tán tài sản của con; c) Có lối sống đồi trụy; d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội".
Luật sư Nguyễn Đức Hùng.
Cần quan tâm đến trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
Trong những vụ việc như trên, luật sư Hùng khẳng định, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thẩm quyền có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của người cha hoặc những người thân thích của cháu bé, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, để quyết định hạn chế quyền của người mẹ đối với con chưa thành niên, ra quyết định không cho người mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm (Điều 85 và Điều 86 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).
Luật sư Hùng khẳng định, vụ việc này một lần nữa là “tiếng chuông cảnh tỉnh” rất đáng buồn cho mỗi người, các cơ quan chức năng, cũng như toàn xã hội trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là đối với các trẻ em trong các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt (như cha, mẹ ly hôn, hoặc vướng vào các tệ nạn xã hội). Các em có thể không chỉ phải chịu những thiệt thòi về tình cảm, không có được sự chăm sóc trọn vẹn của cha, mẹ mà còn có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, ngược đãi rất cao.
Do đó, các cơ quan chức năng cần phải có sự nghiên cứu, xem xét để có thể có những biện pháp phù hợp, tăng cường sự giám sát và hỗ trợ về hành chính và xã hội, để có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, ngược đãi, bạo hành đối với các em, cũng như đảm bảo được các quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho các em, giúp các em có thể có được những điều kiện, môi trường và sự phát triển lành mạnh tốt nhất./.