Họp là cần thiết, hay chỉ là "những người rảnh rỗi làm bậy"?
Phát biểu về cuộc họp do VPF tổ chức ngày 31/3 vừa qua, bầu Đức khẳng định: "Bây giờ họp dịch thì họp, bóng đá thì dẹp. Không có chuẩn bị gì hết, chỉ có những người rảnh rỗi mới làm bậy thôi".
Phát ngôn ấy của bầu Đức, cùng với nhiều thông tin trái chiều về diễn biến và kết quả của cuộc họp ấy khiến rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam, cũng như dư luận đặt câu hỏi rằng liệu cuộc họp này có là cần thiết, và VPF họp làm gì khi cả nước vẫn đang gồng mình chống dịch?
Chỉ tới khi chương trình Bình luận thể thao của VTV phát đi tối ngày 3/4, với những video trực tiếp về cuộc họp, người ta mới ngả ngửa ra rằng cuộc họp này là thực sự cần thiết, cũng như đại diện các CLB tham dự cuộc họp ấy đều không hề gay gắt như cách hai ông Nguyễn Hữu Thắng và Vũ Tiến Thành - chủ tịch CLB TP.HCM và CLB Sài Gòn phản ứng. Thực tế là cả ông Thắng và ông Thành đều không tham gia cuộc họp này.
Duy nhất đại diện của HAGL không tham dự cuộc họp được VPF tổ chức ngày 31/3 vừa qua.
Thậm chí, đại diện của CLB TP.HCM - trưởng đoàn Lư Đình Tuấn, không những ủng hộ phương án đá tập trung tại miền Bắc, còn kiến nghị VPF nên tính toán để các CLB có đủ thời gian cần thiết để hội quân và tập luyện nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia giải đấu.
Bên cạnh việc nhấn mạnh cuộc họp này là để vạch ra kế hoạch chuẩn bị phương án cho V.League khi dịch bệnh được khống chế, cả VPF lẫn đại diện các CLB đều ý thức nhấn mạnh rằng dù kế hoạch có thế nào đi nữa, thì nó cũng chỉ được diễn ra với điều kiện tiên quyết là được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.
Trong thời điểm diễn ra cuộc họp, cũng như đại diện các CLB tham gia V.League khác, có lẽ Ban lãnh đạo của CLB HAGL cũng không phải quá bận rộn với việc chống dịch để không thể bỏ ra vài tiếng đồng hồ bàn phương án chuẩn bị cho giải đấu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam. Vậy liệu bầu Đức có quá hồ đồ khi nhất quyết "gạt phăng" đội bóng của mình ra khỏi cuộc họp này?
Bầu Đức không hồ đồ, nhưng...
Có lẽ nếu đọc kỹ thông báo liên quan đến cuộc họp này của VPF gửi đến các CLB, bầu Đức sẽ hiểu được tính chất của nó, thay vì "hiểu lầm" rằng cuộc họp này là để "chốt cứng" phương án buộc V.League phải đá trong hoàn cảnh "nước sôi lửa bỏng" hiện tại.
Phản ứng mạnh mẽ của bầu Đức cho thấy có lẽ những thông tin mà ông nhận được về cuộc họp này đã bị "tam sao thất bản", và vì quá tin vào những gì được nghe, ông lập tức ra lệnh cho cấp dưới của mình "tẩy chay" nó. Đây có lẽ là lý giải hợp lý nhất cho phản ứng của ông bầu phố Núi.
Đáng chú ý, ngay trước, trong và sau cuộc họp của VPF, một số luồng thông tin đã dẫn lời phát biểu của bầu Đức, cũng như của chủ tịch Hữu Thắng và Vũ Tiến Thành để chỉ trích rất mạnh mẽ VPF, thậm chí đặt ra vấn đề vùng miền trong việc lựa chọn tổ chức V.League. Đây là cách dẫn dắt dư luận hết sức nguy hiểm, gây chia rẽ trong dư luận, cũng như giới bóng đá.
Đây cũng chính là những người đứng sau cuộc tấn công nhằm vào VFF, cũng như ông Trần Anh Tú trước đại hội 8 của VFF. Bầu Tú khi đó trở thành nạn nhân, với kết quả phải rút khỏi cuộc đua đến chiếc ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Người đắc cử sau đó là ông Cấn Văn Nghĩa - người đã phải từ chức chỉ sau vài tháng nắm quyền.
Trong chương trình Bình luận thể thao của VTV tối 3/4, người dẫn chương trình hoàn toàn không nhắc một chữ nào đến bầu Đức, cũng như HAGL, nhưng với những gì được truyền tải qua chương trình này, ai cũng thấy rõ bầu Đức đã "hồ đồ" đến thế nào khi "cách ly" HAGL ra khỏi VPF.
Trong thời điểm bóng đá Việt Nam đang trong hoàn cảnh khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, và VPF đang cùng với các CLB nỗ lực để tìm ra phương án cho V.League, chắc hẳn trong tương lai lần, những "đòn đánh" như vừa rồi nhằm vào VPF có lẽ sẽ chưa dừng lại.
Chỉ có điều, sẽ thật đáng tiếc và đáng trách nếu bầu Đức, cũng như HAGL lại trở thành "nạn nhân" của những cuộc đấu đá chẳng hề chính nhân quân tử này.