Ngày 1/9 vừa qua, loạt thuế quan mới đã được áp dụng. Mỹ áp thuế 15% đối với một loạt các mặt hàng của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh phản ứng với thuế từ 5% đến 10% đối với hàng nhập khẩu Mỹ, bao gồm các sản phẩm nông sản. Mặc dù thuế quan bắt đầu có hiệu lực, các bên vẫn tiếp tục tổ chức đàm phán thương mại vào tháng này.
Trong trường hợp Mỹ-Trung thất bại trong việc giải quyết các bất đồng, loạt thuế quan thứ hai sẽ bắt đầu vào ngày 15/12 tới, và Mỹ sẽ tung một số đòn thuế mới vào đúng lễ kỉ niệm quan trọng của Trung Quốc vào tháng 10.
Tuy nhiên, thương chiến hiện tại đã vượt qua những vấn đề về thuế quan. Bắc Kinh đã ngầm ám chỉ có thể sẽ sử dụng đất hiếm làm quân "át chủ bài" để đối phó với Washington và không loại trừ trường hợp sẽ dùng phương án "bom hạt nhân" kinh tế là bán tháo trái phiếu Mỹ.
Trong khi đó, mới đây Washington đã gợi nhắc lại khoản nợ trái phiếu hơn 100 năm tuổi của Trung Quốc mà theo ước tính - khi đã tính cả các yếu tố lạm phát, lãi suất và những loại phí khác - có giá trị lên tới 1 nghìn tỉ USD, tương đương với lượng trái phiếu mà Bắc Kinh nắm giữ của Mỹ.
Trả lời RT, Jim Rogers - một nhà nghiên cứu về đầu tư - cho rằng nỗ lực của Mỹ có thể sẽ gây ra một loạt vấn đề kinh tế nghiêm trọng và có thể khiến tình hình hiện tại trở nên tồi tệ hơn.
"Nếu Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc phải thanh toán nợ thì khi đó, Mỹ có thể đóng băng tài sản của Trung Quốc ở Mỹ, chiếm hữu hoặc tịch thu các tài sản đó. Và khi đó thương chiến sẽ cực kì căng thẳng," ông Rogers nói, và khẳng định Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ trả đũa bằng hình thức tương tự.
Những cá nhân Mỹ nắm giữ trái phiếu khó có thể buộc Trung Quốc trả tiền bởi Bắc Knh chưa bao giờ thừa nhận khoản nợ này.
Theo giáo sư trường Đại học Duke Mitu Gulati, để đòi được nợ, đầu tiên người dân Mỹ phải buộc Bắc Kinh thừa nhận khoản nợ, thắng kiện và sau đó Trung Quốc sẽ phải thanh toán lần lượt.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu chính quyền ông Trump quyết định tham gia giải quyết.
"Hiện tại, nếu chính phủ liên bang Mỹ hỗ trợ những người nắm giữ trái phiếu khởi kiện, thì đó sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác. Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra mặc dù chính quyền của ông Trump vốn đã rất khó đoán," ông Gulati nói.
Bloomberg chỉ rõ trái phiếu mà phía Mỹ đang nắm giữ là trái phiếu đường sắt Hồ Bắc, được bán vào năm 1911 để hỗ trợ hoạt động xây dựng tuyến đường tàu từ Hán Khẩu tới Tứ Xuyên.
Mỹ từng đề cập tới khoản tiền đầu tư vào Trung Quốc vào đầu thế kỉ 20 và gọi đây là "đồng tiền ngoại giao" - một cách xây dựng mối quan hệ với quốc gia khác bằng cách giúp nước này công nghiệp hóa. Trong khi đó, người Trung Quốc lại gọi đây là "Thế kỉ ô nhục", khi đất nước này buộc phải chấp nhận các khoản đầu tư và bị nước ngoài kiểm soát một cách bất công.
Hiện tại, chính quyền Trung Quốc không công nhận các khoản nợ của chính phủ từ trước khi thành lập nhà nước và từ chối thanh toán.