Giai đoạn Tam Quốc bắt đầu từ cuối thời Đông Hán đến khi nhà Tây Tấn nhất thống thiên hạ, kéo dài tổng cộng 90 năm.
Lúc bấy giờ thiên hạ đại loạn, quần hùng khắp nơi nổi lên tranh bá. Cổ nhân quan niệm thiên hạ hưng thì bách tính khổ, thiên hạ vọng bách tính càng lầm than. Nhưng suy cho cùng, thiên hạ có hưng thịnh thì cuộc sống của dân chúng mới có thể bớt đi khổ cực.
Cuối thời Đông Hán, dân số Trung Quốc có khoảng bốn đến năm nghìn vạn nhân khẩu. Tới khi nhà Tấn nhất thống thiên hạ, con số này chỉ còn lại khoảng 1400 – 1500 vạn người. Cách biệt về dân số này đích thị là minh chứng cho sự khác biệt giữa thời bình và thời loạn.
Đây cũng là lý do vì sao Hoàng đế khai quốc nhà Tấn là Tư Mã Viêm bị coi là bậc hôn quân háo sắc vì sở hữu tới hơn vạn người trong hậu cung, nhưng vẫn có thể phân phát cho dân chúng mỗi người tới mười mấy mẫu đất.
Nguyên nhân bởi thời đại sau Tam Quốc quả thực đúng với 4 chữ "đất rộng, người thưa".
Tam Quốc được coi là thời đại quần hùng tranh bá, nhưng cũng là giai đoạn chiến tranh liên miên. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Tam Quốc chính là thời kỳ loạn lạc và khốc liệt tới nỗi chiến loạn đã trở thành chuyện cơm bữa. Nếu thế cục này có thể được thống nhất sớm hơn thì có lẽ loạn Ngũ Hồ chẳng có cơ xuất hiện, người Hán cũng không lâm vào cảnh suýt bị tuyệt diệt.
Nhìn lại lịch sử Tam Quốc, thực tế có một vài chư hầu hoàn toàn nắm trong tay khả năng thống nhất thiên hạ. Chỉ tiếc rằng có nhiều việc ngoài ý muốn xảy ra khiến họ không thể tận dụng cơ hội này.
Nói đúng hơn là nếu một số nhân vật cốt cán thời bấy giờ không qua đời quá sớm, thời kỳ Tam Quốc chắc chắn sẽ không thể kéo dài tới gần một thế kỷ.
Vậy những nhân vật cốt cán có khả năng nhất thống thiên hạ, rút ngắn đi thời gian tồn tại của thế chân vạc là những ai?
Nhân vật thứ nhất: Quách Gia
Quách Gia là một đại mưu sĩ cốt cán thuộc tập đoàn chính trị Tào Ngụy. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Quách Gia là nhà chiến lược, mưu sĩ quan trọng của Tào Tháo. Ông thường được đánh giá là một trong những mưu sĩ xuất sắc nhất thời Tam Quốc nói riêng và trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc nói chung.
Luận về tài năng, nhiều ý kiến cho rằng năng lực của Quách Gia thậm chí không hề thua kém so với quân sư nức tiếng thời bấy giờ là Gia Cát Lượng.
Dù vậy, không thể khẳng định một sự thật rằng Quách Gia chưa phải là một mưu sĩ toàn năng.
Về phương diện chính sự, năng lực của ông cũng không hẳn là cao minh. Nhưng xét về mưu lược, cả Tam Quốc lúc bấy giờ không mấy người có thể bì kịp vị mưu sĩ họ Quách này.
Đặc biệt là trong trận Quan Độ, thập thắng thập bại luận (bàn về mười điều thắng, mười điều bại) mà Quách Gia đưa ra có thể coi là vô cùng chuẩn xác, cuối cùng đích thực đã đem lại thắng lợi cho Tào Tháo.
Chỉ tiếc rằng ông buông tay trần thế khi tuổi đời chỉ mới hơn ba mươi. Sự ra đi của Quách Gia đã khiến Tào Tháo thua cuộc trong trận Xích Bích phải đau đớn mà than rằng:
"Nếu Quách Gia còn sống, ta đâu đến nỗi này!".
Qua đó có thể thấy, địa vị của Quách Gia trong lòng Tào Tháo còn quan trọng hơn tất cả số mưu sĩ mà vị quân chủ này có trong tay.
Nhân vật thứ hai: Cúc Nghĩa
Cúc Nghĩa từng là cánh tay phải đắc lực của Viên Thiệu. Nhưng sau cùng nhân vật này lại bị chính vị quân chủ họ Viên trừ khử. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Cúc Nghĩa là đại tướng dưới trướng Viên Thiệu – kẻ từng tranh đoạt quyền kiểm soát Trung Nguyên cùng Tào Tháo.
Nếu nói Nhan Lượng, Văn Xú là hai nhân vật tượng trưng cho võ lực, thì Cúc Nghĩa chính là nhân vật đại diện cho cụm từ "hữu dũng hữu mưu".
Có thể nói, trong chiến thắng đánh bại Bạch Mã Công Tôn Toản thì công lao của Cúc Nghĩa phải chiếm đến chín trên mười phần.
Nếu không có Cúc Nghĩa, "Bạch Mã nghĩa tòng" của Công Tôn Toản sớm đã diệt trừ Viên Thiệu. Vị quân chủ họ Viên ấy chắc chắn sẽ chẳng còn cơ may thống nhất phương Bắc.
Đáng tiếc Cúc Nghĩa sau khi lập được đại công có phần kiêu căng, khiến Viên Thiệu không vừa mắt, đành cắn răng chặt đứt cánh tay phải đắc lực của mình.
Nếu Cúc Nghĩa còn sống, Tào Tháo sau này ắt sẽ có nhiều phen phải đau đầu khi đối phó với thế lực của Viên Thiệu.
Nhân vật cốt cán thứ ba: Tôn Sách
Được mệnh danh là Tiểu Bá vương, Tôn Sách là một trong những nhân vật khiến những bậc quân chủ khét tiếng như Tào Tháo, Lưu Bị phải dè chừng. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Tôn Sách là một viên tướng, một lãnh chúa trong thời kỳ cuối Đông Hán – đầu Tam Quốc.
Ông cũng là người đặt nền móng quan trọng trong việc hình thành tập đoàn chính trị Đông Ngô – thế lực được người em trai Tôn Quyền kế thừa và hoàn thiện sau khi ông mất.
Trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", Tôn Sách được miêu tả là nhân vật anh dũng hơn người, thậm chí không hề thua kém so với Tây Sở Bá vương Hạng Vũ năm xưa. Cũng bởi vậy mà ông còn có biệt hiệu là Tiểu Bá vương.
Tào Tháo cũng cho rằng, dù cho Tôn Quyền đã ngồi lên hàng ghế "lão đại" ở Đông Ngô, nhưng cũng chỉ cùng hàng ngang lứa với con trai của ông ta, căn bản không đáng để so sánh.
Tuy nhiên khi nhắc tới Tôn Sách, Tào Tháo cũng đành phải thừa nhận nhân vật này quả thực có cái dũng của bậc Bá vương.
Hậu thế đều biết trong trận chiến Hán - Sở tranh hùng khi xưa, Tây Sở Bá vương Hạng Vũ suy cho cùng vẫn là kẻ thất bại. Dù vậy, kết quả bại vong của vị Bá vương năm nào đã trở thành tấm gương, khiến Tiểu Bá vương Tôn Sách càng được xếp vào hàng "khó chơi".
Tôn Sách dùng ba nghìn lão binh Giang Đông để đánh hạ Giang Đô, gây dựng cơ đồ. Năng lực này so với bất kỳ vị bá chủ nào đều không hề kém cạnh nửa phần.
Còn Tôn Quyền cho tới lúc qua đời vẫn giữa địa bàn như lúc ban đầu. Đây chính là sự khác biệt về năng lực giữa hai huynh đệ của gia tộc họ Tôn.
Nếu Tôn Sách không bị ám sát mà qua đời sớm, lại thêm tứ đại đô đốc dưới trướng Tôn Ngô, rất có thể thế lực này hoàn toàn có thể thống nhất nam bắc.