Nên làm gì khi bị liệt mặt, méo miệng do trời lạnh?

Vân Anh |

Nhiệt độ giảm sâu có thể làm gia tăng nguy cơ liệt mặt, méo miệng. Chủ động phòng tránh là điều cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm. Vậy nên làm gì khi bị liệt mặt, méo miệng do trời lạnh?

Liệt mặt, méo miệng xảy ra do liệt dây thần kinh số VII ngoại biên không nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại những biến chứng nặng nề nếu như không can thiệp sớm.

Bệnh có nguy cơ gia tăng vào mùa lạnh. Vì dây thần kinh số VII ngoại biên nằm sát với da, đi song song với mạch máu ở vùng tai. Khi gặp lạnh đột ngột sẽ làm cho mạch máu nuôi dây thần kinh số VII bị co thắt gây hiện tượng máu cục bộ, phù nề. Hơn nữa, vào tiết trời mùa đông, các bệnh tai mũi họng do virus gia tăng, virus này có thể tấn công và gây liệt dây thần kinh số VII ngoại biên.

Liệt mặt, méo miệng do liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có thể được cải thiện từ 2 đến 3 tuần nếu ở mức độ nhẹ. Nếu nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể mất từ 3 đến 6 tháng để hồi phục.

1. Dấu hiệu bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên

Các triệu chứng khi bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên thường xảy ra một cách đột ngột, bao gồm:

- Chảy nước dãi

- Khuôn mặt bị lệch sang một bên

- Khó nói, cười, đặc biệt là khó nhắm mắt, mắt nhắm không được kín

- Một bên mặt rủ xuống, các nếp nhăn, rãnh mũi và má mờ hoặc mất

- Miệng và nhân trung méo về bên lành

- Đau đầu

- Mất vị giác

- Nhạy cảm với âm thanh ở phía bị ảnh hưởng

- Đau quanh hàm, trong hoặc sau tai ở bên bị ảnh hưởng

- Thay đổi lượng nước mắt, có thể mắt bị khô quá hoặc nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc sau bữa ăn.

Nên làm gì khi bị liệt mặt, méo miệng do trời lạnh? - Ảnh 1.

Miệng méo, một bên mặt rủ xuống là một trong những triệu chứng điển hình khi bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên (Ảnh: Internet)

2. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ liệt mặt, méo miệng do dây thần kinh số VII ngoại biên

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị liệt mặt, méo miệng do ảnh hưởng từ dây thần kinh số VII ngoại biên. Tuy nhiên, một số trường hợp sau có nguy cơ bị bệnh cao hơn, cụ thể:

- Đang mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba, hoặc đang trong tuần đầu tiên sau khi sinh

- Bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cúm hoặc cảm lạnh

- Người bị tiểu đường, huyết áp cao và béo phì

- Những người bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên tái phát, có thể liên quan đến di truyền.

3. Biến chứng do liệt dây thần kinh số VII ngoại biên

Hầu hết những trường hợp liệt mặt, méo miệng do ảnh hưởng từ dây thần kinh số VII ngoại biên hồi phục mà không để lại biến chứng. Tuy nhiên, nếu điều trị chậm trễ hoặc không đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như:

- Tổn thương dây thần kinh số VII, ảnh hưởng đến cơ mặt

- Do mắt không thể nhắm kín nên làm tăng nguy cơ loét giác mạc hoặc ảnh hưởng đến thị lực.

- Mắc hội chứng "đồng vận" - tức là khi bạn di chuyển một bộ phận nào đó trên khuôn mặt, một bộ phận khác cũng hoạt động theo. Ví dụ, khi bạn cười mắt bị nhắm lại.

Nên làm gì khi bị liệt mặt, méo miệng do trời lạnh? - Ảnh 2.

Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có thể ảnh hưởng đến mắt hoặc gây ra hội chứng "đồng vận" (Ảnh: Internet)

4. Khi bị liệt mặt, méo miệng nên làm gì?

Liệt mặt, méo miệng do liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có thể để lại những biến chứng nguy hiểm nếu như không điều trị kịp thời, đúng cách. Vì vậy, khi thấy mặt, miệng bị méo, lệch hoặc các triệu chứng như trên, mọi người cần đến bệnh viện kiểm tra ngay để có hướng xử lý kịp thời.

Các bác sĩ có thể can thiệp bằng các phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.

- Can thiệp bằng nội khoa: Bác sĩ sẽ kê những đơn thuốc phù hợp với tình trạng của người bệnh, chẳng hạn như vitamin B, thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc nhỏ mắt, nếu nguyên nhân do virus có thể người bệnh sẽ được kê đơn thuốc kháng virus, kháng khuẩn, … Lưu ý, nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không nên áp dụng các biện pháp dân gian hay tự ý mua thuốc.

Sau đó, bác sĩ có thể bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp, hồng ngoại… người bệnh không nên tự ý xoa bóp hay bấm huyệt, vì nếu tác động quá mạnh sẽ gây ra tình trạng co cứng cơ mặt.

- Can thiệp bằng ngoại khoa: Nếu cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Nếu người bệnh bị áp xe não, u não, có khối máu tụ, viêm tai xương chũm thì mới cần đến biện pháp này.

Nên làm gì khi bị liệt mặt, méo miệng do trời lạnh? - Ảnh 3.

Khi bị liệt mặt, méo miệng do ảnh hưởng từ dây thần kinh số VII ngoại biên cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị (Ảnh: Internet)

Bên cạnh việc điều trị từ bác sĩ, người bệnh bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên nên lưu ý thêm một số vấn đề như:

- Nếu bạn khó khăn trong việc nhắm mắt, chớp mắt và mắt bị khô nên dùng nước nhỏ mắt theo đơn kê và hướng dẫn của bác sĩ.

Người bệnh có thể cân nhắc dùng miếng che mắt hoặc dùng băng phẫu thuật để đóng mí mắt khi ngủ để tránh tình trạng khô mắt và đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chính xác hơn.

- Do miệng bị méo, lệch nên khó khăn trong việc ăn uống. Lúc này, bạn nên sử dụng ống hút, ăn từng miếng nhỏ để thức ăn, nước uống không bị tràn ra ngoài.

- Nghỉ ngơi và chia sẻ với mọi người nhiều hơn để giúp tâm trạng thoải mái

Liệt mặt, méo miệng do liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có thể phòng ngừa bằng một số biện pháp như giữ ấm cho cơ thể, nhất là vùng đầu, mặt, cổ. Tránh ra gió, nhất là khi nền nhiệt xuống mức quá thấp, nếu cần thiết trang bị đủ găng tay, mũ len, khăn quàng... Đặc biệt, không nên tắm muộn hoặc tắm quá lâu.

Đối với những người có hệ miễn dịch yếu, trẻ nhỏ hoặc người già, nên cẩn trọng hơn. Sáng sớm khi ngủ dậy nên nằm trên giường để tỉnh táo và quen với môi trường, sau đó mặc quần áo đủ ấm rồi mới bước ra khỏi chăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại