Lộ trình lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương
Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ báo cáo GDP quý 3 vào ngày 26/10. Đây là thước đo rộng nhất về nền kinh tế. Dữ liệu này sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc từ tháng 7 đến tháng 9, mặc cho lãi suất cao, tiền tiết kiệm cạn kiệt sau đại dịch và lạm phát dai dẳng.
Dù chậm lại, nền kinh tế Mỹ dự kiến vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng đến cuối năm. Một số nhà đầu tư cho rằng khả năng tăng giá cổ phiếu cũng có thể xảy ra vào thời điểm này.
GDP thực qua các quý trong năm 2022-2023. Nguồn: Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ
Dự đoán rằng nền kinh tế sẽ không tăng trưởng thêm có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Nhưng việc cắt giảm lãi suất diễn ra như thế nào còn phụ thuộc vào quỹ đạo lạm phát.
Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương cần nhìn thấy tốc độ tăng trưởng giảm để đảm bảo lạm phát đang trên đà hạ xuống 2% - mức mục tiêu lạm phát của FED.
Nhà kinh tế trưởng Gregory Daco tại EY-Parthenon, cho biết nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi đáng kinh ngạc với mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và chi tiêu tiêu dùng tăng bất ngờ. Những yếu tố này có khả năng thúc đẩy GDP thực của quý 3 trên 5%.
FED chỉ cắt giảm lãi suất khi nào tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh hoặc lạm phát liên tục dao động dưới 2%. Ngân hàng trung ương cũng không có bất kỳ động cơ nào để dùng lãi suất kìm hãm nền kinh tế một khi lạm phát đã được kiểm soát.
Nhà kinh tế học Daco dự kiến việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào giữa năm tới.
Chiến lược chính chống lại lạm phát của FED là làm chậm nhu cầu tiêu dùng thông qua việc tăng lãi suất. Khi lãi suất cao, việc vay mua ô tô và mua nhà trở nên tốn kém hơn, từ đó khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Kể từ tháng 3/2022, ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất 11 lần lên mức cao nhất trong vòng 22 năm.
Người tiêu dùng đang đi mua sắm tại một cửa hàng ở Chicago, tiểu bang Illinois, Mỹ. Ảnh: Scott Olson/Getty Images
Nền kinh tế Mỹ có thể giảm tốc mà không trật bánh?
Tuy nhiên, nền kinh Mỹ dường như đang tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3.
Chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 70% sản lượng kinh tế và đã tăng 0,4% trong tháng 8. Doanh số bán lẻ tháng 9 là tháng thứ 6 tăng liên tiếp. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng lên mức cao nhất trong gần 5 năm.
Các nhà tuyển dụng đã tạo thêm bình quân khoảng 260.000 việc làm mỗi tháng. Tổng cộng đã có hơn 2 triệu việc làm được bổ sung kể từ đầu năm. Một thị trường việc làm mạnh mẽ sẽ thúc đẩy chi tiêu.
Nhưng chắc chắn là người Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại kinh tế. Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt dự kiến sẽ hạ nhiệt nền kinh tế, ngoài ra còn có các vấn đề như tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn, việc phải tiếp tục trả nợ sinh viên và khoản tiết kiệm tích luỹ trong đại dịch cạn kiệt.
Nền kinh tế Mỹ cũng đang phải đối mặt với các cuộc xung đột nước ngoài, hàng nghìn tỷ USD nợ liên bang, thị trường bất động sản đóng băng và lượng dầu dự trữ thấp kỷ lục.
Mặc dù có nhiều dấu hiệu bất ổn, một số nhà kinh tế vẫn duy trì quan điểm lạc quan về khả năng phục hồi.
Nhà kinh tế trưởng Diane Swonk tại KPMG viết trong một báo cáo rằng lợi suất trái phiếu gia tăng và độ trễ của việc thắt chặt tín dụng dự kiến sẽ là những “cơn gió ngược” của năm 2024. Bà nói: “Điều đó có thể khiến nền kinh tế chậm lại mà không bị trật bánh”.