Lao động Trung Quốc lao đao
Vài năm trước, Gan Xiaoge đi gần 200 km từ tỉnh An Huy đến thủ đô Bắc Kinh để tìm việc làm. Với công việc dọn dẹp văn phòng, cô nhận được nhiều cơ hội dựa trên đà tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc.
Nhưng khi sự tăng trưởng hạ nhiệt và giá của các mặt hàng quan trọng như thịt lợn tăng đột biến do dịch bệnh, hàng trăm triệu người Trung Quốc, trong đó có Gan bắt đầu đối mặt với khó khăn.
"Giá thịt lợn tăng rất nhanh trong những tháng gần đây và chẳng mấy chốc tôi sẽ không đủ khả năng mua thịt nữa. Chủ nhà cũng đã tăng tiền thuê nhà từ 500 nhân dân tệ (tương đương 71 USD) lên 800 nhân dân tệ (114 USD), rồi 1.000 nhân dân tệ (142 USD) trong ba tháng, " Gan nói với Al Jazeera (Qatar).
Tính đến tháng 9/2019, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 6% trong ba tháng. Đó là tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh của một quốc gia có quy mô lớn như Trung Quốc - tốc độ này nhanh gấp ba lần so với Mỹ ở cùng thời điểm.
Nhưng đó là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1992. Sự chững lại này đang làm tổn thương tới những người lao động nhập cư và những người thuộc nhóm thu nhập thấp như Gan.
Trung Quốc đang lâm vào tình trạng "khát thịt lợn" do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Bloomberg
"Chúng tôi không được bảo vệ trước các chủ nhà trọ, họ luôn có thể dễ dàng tìm được một người thuê nhà khác. Tiền lương ở Bắc Kinh chỉ đủ để sống qua ngày", Gan nói.
Những người lao động như Gan đang cảm nhận được tác động theo nhiều cách khác nhau từ sự lao dốc của kinh tế. Một trong số đó là thị trường việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đạt 3,61% trong quý 3, hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời quan chức Bộ Nguồn Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cho biết. Tỷ lệ này dao động gần hoặc dưới mức 4% trong nhiều năm, tương đương với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ.
Theo Al Jazeera, tình trạng này xảy ra do ngày càng nhiều doanh nghiệp sa thải nhân viên. Các công ty Trung Quốc đã bị giảm đơn đặt hàng nước ngoài do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Chính phủ nỗ lực cân bằng
Tuy nhiên, theo tờ này, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc rơi vào trì trệ ngay trước khi cuộc chiến thương mại bùng nổ vào năm ngoái. Một trong những nguyên nhân là do nỗ lực giảm nợ và bất bình đẳng xã hội của Bắc Kinh.
Giờ đây, Trung Nam Hải đang cố gắng đảo ngược tình thế bằng cách giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và biến người tiêu dùng trong nước thành động lực chính cho tăng trưởng. Một số nhà phân tích cho biết, chiến lược của chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn chưa đạt kết quả.
"Bắc Kinh đang đấu tranh tái cân bằng tăng trưởng theo hướng kích thích chi tiêu của người tiêu dùng", bà Diana Choyleva, kinh tế trưởng tại Enodo econom, viết trong một nghiên cứu.
Nhưng tăng trưởng chững lại chỉ là một lý do khiến thu nhập của người dân Trung Quốc bị giảm sút. Sự bùng phát của dịch lợn tả châu Phi đã buộc các cơ quan chức năng phải tiêu hủy hàng triệu con lợn, làm giảm nguồn cung thịt lợn, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng nhanh.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải sa thải nhân viên do đơn đặt hàng nước giảm - một tác động từ cuộc chiến thương Mỹ - Trung. Ảnh: Bloomberg
Nhìn chung, trong tháng 9/2019, giá tiêu dùng đã tăng 3% so cùng kỳ, là mức tăng nhanh nhất trong gần sáu năm qua, theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc. Thịt lợn tăng giá đã thúc đẩy sự gia tăng đột biến này.
Cuộc sống của người dân Trung Quốc bắt đầu trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh cuộc chiến thương mại và tình trạng lạm phát diễn ra song song, Al Jazeera nhận định.
Bong bóng nợ
Trong khi đó, nợ của các hộ gia đình đã tăng đáng kể so với cùng kỳ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng tổng nợ của các hộ gia đình Trung Quốc đạt mức 50,3% GDP tính đến tháng 6/2018, cao hơn mức trung bình của thị trường mới nổi và cao hơn 32 điểm so với một thập kỷ trước đó.
IMF cho rằng, điều này làm dấy lên mối lo ngại về sự gia tăng của các khoản nợ có thể dẫn đến những tác động bất lợi đáng kể đến tăng trưởng và ổn định tài chính khi bên cạnh các gia đình, thì trung ương và địa phương cũng đang tích lũy nợ.
Ông Nick Marro, chuyên gia của The Economist Intelligence Unit cho hay, ông không ngạc nhiên về sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc nhưng ông ước tính rằng con số tăng trưởng thực tế có thể còn thấp hơn nếu không có ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế.
Chính phủ Trung Quốc đã giảm thuế, cho phép người dân chi tiêu nhiều hơn để kích thích tăng trưởng, nhưng một tác dụng phụ là gây sức ép tài chính lên các khoản thu của chính quyền địa phương, buộc họ phải tăng các khoản vay.
Hơn nữa, kinh tế lao dốc không đồng đều trên cả nước, gây ra một vấn đề đau đầu khác cho các nhà hoạch định chính sách.
Theo các số liệu chính thức, trong nửa đầu năm, nền kinh tế của 14 trong số 25 khu vực tài phán cấp tỉnh ở Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình quốc gia. Và sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng là rất lớn.
Ví dụ, tỉnh Vân Nam ở phía Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là 9,2%, trong khi tỉnh Thiên Tân gần Bắc Kinh đứng ở vị trí thấp nhất với tăng trưởng 4,6%.
Điều này đồng nghĩa chính phủ Trung Quốc không thể thực hiện đồng bộ các giải pháp và những khu vực có ít tài nguyên nhất là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Thông thường, các tỉnh ven biển được chuẩn bị tốt hơn để vượt qua "cơn bão" nhờ sự đa dạng và có nhiều nguồn lực kinh tế hơn - từ các doanh nghiệp, chính phủ, nguồn nhân lực và lao động", Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford econom, nói với Al Jazeera. "Các tỉnh phía đông bắc và các tỉnh nội địa khác sẽ có ít cơ hội hơn, và có thể phải chịu mức nợ cao".
Trong khi lựa chọn của chính phủ về giảm thiểu tác động của nền kinh tế lao dốc bị thu hẹp, thì những lựa chọn cho người lao động như Gan cũng bị hạn chế rõ ràng.
"Tôi sẽ nhận thêm công việc bán thời gian và cắt giảm các chi phí không cần thiết", cô nói.