Chỉ cách đây vài năm, các hãng ô tô Trung Quốc (TQ) giá rẻ còn hiện diện trên thị trường Việt với sự có mặt tại hàng loạt triển lãm ô tô cùng những chiến lược quảng bá rầm rộ.
Ngay sau đó, những mẫu ô tô TQ như Lifan , BYD, Chery, Geely… dần biến mất trên thị trường. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô TQ vẫn chưa từ bỏ tham vọng tại thị trường Việt Nam.
Giá rẻ nhưng ít người dám mua
Với tham vọng muốn biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ cho ngành công nghiệp ô tô của TQ, các thương hiệu ô tô nội địa lớn nhất nước này như BAIC, Zotye, Đông Phong (DFM)… tiếp tục mang đến nhiều mẫu xe thiết kế đẹp mắt và giá rẻ hơn các các mẫu ô tô khác cùng phân khúc.
Đơn cử Tập đoàn Ô tô TQ Đông Phong (DFM) đã tung ra thị trường nhiều mẫu như Joyear, S500, F600… với giá 530-650 triệu đồng tùy loại.
Đại diện kinh doanh Công ty Kylin, đơn vị nhập khẩu kinh doanh ô tô TQ tại Việt Nam, cho biết công ty bán ra thị trường nhiều mẫu xe được thiết kế khá hiện đại, chủ yếu cũng là dòng xe 5-7 chỗ. Những mẫu xe này đều do các hãng ô tô hàng đầu TQ sản xuất giá rẻ hơn các xe thương hiệu Nhật, Hàn Quốc khoảng 200-300 triệu đồng.
“Trước đây, người tiêu dùng Việt Nam còn e ngại khi nghe đến ô tô thương hiệu TQ nhưng sau nhiều năm họ cũng đã quen.
Nhiều người vẫn lựa chọn những mẫu xe này vì giá rẻ, thiết kế bắt mắt” - vị đại điện kinh doanh Công ty Kylin thông tin. Tuy nhiên, khi hỏi về doanh số bán hàng thì công ty thừa nhận vẫn “đang bán ra thăm dò thị trường, số lượng người mua cũng chưa nhiều”.
Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, cho biết ô tô TQ có các mẫu như Zotye Z3, BAIC V2… được bày bán tại nhiều đại lý ô tô. Song do có xuất xứ không lợi thế nên các hãng xe TQ phải dùng hàng loạt chính sách để dụ khách.
Ví dụ họ quảng cáo xe có điều hòa điện từ LCD, ghế da cao cấp, định vị GPS, cảm biến gạt mưa, cảm ứng đóng mở cửa xe…
Ô tô Trung Quốc quảng bá, khuyến mãi ì xèo tại Việt Nam nhưng khách hàng vẫn thờ ơ. Ảnh: QUANG HUY
“Giá những mẫu xe trên trên dưới 500 triệu đồng. Nếu so sánh giá với các mẫu xe cùng phân khúc thương hiệu Mỹ, Nhật, Hàn Quốc hay sản xuất, lắp ráp trong nước thì rẻ hơn 40%-50%.
Vẫn có một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn dòng xe TQ hoặc có thể những doanh nghiệp TQ đang đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đã sử dụng quen các dòng xe này nhưng số lượng khiêm tốn” - ông Trường chia sẻ.
Mong manh “số phận” ô tô Trung Quốc
Dù giá rẻ, thiết kế bắt mắt nhưng sự trở lại của các mẫu xe hơi TQ vẫn đầy trắc trở. Thậm chí các nhà kinh doanh và chuyên gia dự báo một tương lai ảm đạm với ô tô TQ tại thị trường Việt Nam.
Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành Bùi Xuân Trường nhìn nhận: Với chiến lược thâm nhập thị trường bền bỉ kiểu “mưa dầm thấm lâu”, giá rẻ, khuyến mãi… thì xe hơi TQ vẫn có thể khai thác được thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, về chất lượng và độ bền thì dòng xe TQ không thể đáp ứng được kỳ vọng của người dùng dù bề ngoài trông hào nhoáng, long lanh.
“Chạy ô tô TQ biết liền, lái rất mệt, không êm… Trong khi người sử dụng ô tô các thương hiệu lớn Nhật, Hàn Quốc hay Mỹ, Đức xe vận hành êm ái, cảm giác lái sẽ được cảm nhận ngay khi điều khiển vô lăng” - ông Trường nói.
Việt Nam nhập ô tô TQ nhiều thứ hai sau Thái Lan
Theo Tổng cục Hải quan công bố, tuần qua (từ ngày 4 đến 10-5) cả nước nhập 746 ô tô nguyên chiếc các loại. Kết quả này tăng mạnh so với tuần liền kề trước đó.
Đáng chú ý trong tuần này ô tô nguyên chiếc dưới chín chỗ ngồi có xuất xứ Thái Lan tiếp tục áp đảo thị trường với 473 xe, chiếm hơn 85% tổng số lượng nhập khẩu cả nước.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cũng đánh giá chất lượng, thương hiệu kém hơn các hãng xe thương hiệu khác chính là yếu tố khiến xe hơi TQ khó cạnh tranh. Bằng chứng là các thương hiệu ô tô TQ thua ngay trên sân nhà trước các thương hiệu đến từ Nhật, Đức, Mỹ…
Hơn nữa lợi thế mức giá rẻ chỉ đánh trúng đối tượng khách hàng thu nhập thấp. Số đông người tiêu dùng muốn chọn xe đảm bảo yếu tố chất lượng, an toàn như Volkswagen, Honda, Ford… Điều này lý giải vì sao các thương hiệu ô tô của TQ như Geely, Changan, Baojun chỉ chiếm khoảng 15%-17%.
“Mẫu mã đẹp nhưng chất lượng nội thất, các đồ điện tử nhanh xuống cấp, đặc biệt máy móc hay hỏng vặt; việc kiếm chỗ sửa chữa, bảo hành bảo dưỡng khó khăn đối với người tiêu dùng nên thương hiệu ô tô TQ khó tiếp cận người Việt. Hơn nữa người sử dụng ô tô thường có thu nhập khá, họ chú trọng đến chất lượng, thương hiệu hơn là giá rẻ” - ông Đồng phân tích.
Thực tế cho thấy trước đây xe con TQ từng nếm mùi thất bại tại Việt Nam do khách hàng Việt không ưa chuộng. Ví dụ các thương hiệu xe TQ như BYD, Lifan, Haima… chỉ bán được số lượng rất ít và một số thương hiệu khác đã chết hẳn.
Chả ai muốn làm chuột bạch thử nghiệm xe Trung Quốc
Anh Tiến Dũng, nhà ở quận 12, TP.HCM từng sử dụng qua xe hơi TQ, cho biết nhìn bề ngoài đẹp nhưng lên chạy, lái rất mệt, không êm. Đáng lưu ý là sử dụng xong muốn bán lại cũng không có ai mua. Các đại lý ô tô đã qua sử dụng đều nói không với xe TQ ngay cả khi được bán lại với giá rẻ bèo.
"Mặt khác, dù xe TQ được quảng cáo là dùng động cơ Nhật nhưng các động cơ này phần lớn là đời cũ hoặc liên doanh giữa doanh nghiệp TQ với hãng Nhật nên chất lượng không bằng xe chính hãng. Ngoài ra, tâm lý không thích hàng "made in China" của người tiêu dùng Việt sẽ khiến các mẫu xe TQ khó có đất sống" - anh Dũng nói.
Không chỉ anh Dũng mà nhiều người khác cũng nhận xét: Người Việt đã từng mua BYD F0, Chery QQ3, Lifan 502,... của TQ nhưng chỉ sử dụng được một thời gian là phần điện tử hay hỏng, nội thất nhanh xuống cấp, máy kêu rầm trời, đang đi thì chết máy giữa đường...
Thế nên bây giờ ô tô TQ dù khuyến mãi ì xèo, đẹp lộng lẫy nhưng người Việt vẫn quay lưng. Họ sợ ô tô TQ.
"Thà mua xe cũ Hàn, Nhật, Mỹ hay các nước châu Âu có đắt hơn vẫn còn hơn mua xe TQ mới. Chả ai muốn làm chuột bạch, mang sinh mạng của mình và cả gia đình ra thử nghiệm với ô tô TQ chỉ vì nó đẹp và rẻ" - anh Minh Tuấn, một người đang muốn mua ô tô nêu quan điểm.