Nấu nêm muối, xong ăn lại chấm nước mắm tăng huyết áp, suy thận, nhồi máu cơ tim...

THU HIẾN |

Món ăn đã nêm muối nhưng khi ăn lại chấm thêm nước mắm. Các chuyên gia y tế cho biết tỉ lệ người Việt ăn mặn ở mức cao, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh lý tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy thận...

Nấu nêm muối, xong ăn lại chấm nước mắm tăng huyết áp, suy thận, nhồi máu cơ tim... - Ảnh 1.

Người Việt có xu hướng ăn mặn, lượng muối, nước mắm sử dụng vượt mức khuyến cáo ở mức cao - Ảnh: THU HIẾN

Theo kết quả điều tra gần nhất của Bộ Y tế, 90% người Việt Nam ăn rất nhiều muối, tới 10g muối/ngày (nam là 10,5g, nữ là 8,3g).

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối/ngày (tương đương một thìa cà phê).

Tại Việt Nam, muối chủ yếu được dùng trong các gia đình để chế biến nấu ăn, chấm hay muối rau củ, gia vị trên bàn ăn. Muối công nghiệp có nhiều trong thức ăn nhanh, sử dụng nhiều thức ăn nhanh cũng sẽ tiêu thụ nhiều muối.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Lê Thị Thu Hà - chủ nhiệm khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) - cho biết ăn mặn rất có hại cho cơ thể, khi ăn mặn, nhu cầu nước cho cơ thể sẽ nhiều hơn, nhưng khi uống nhiều nước thận làm việc nhiều có thể dẫn tới hư thận.

Mặt khác, những thức ăn nhiều muối sẽ gây kích thích dạ dày, làm cho dạ dày dễ bị viêm, nguy cơ gây ung thư cao hơn.

Mặc dù ăn mặn không trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên về lâu dài có thể gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm.

"Người có thói quen ăn mặn, nguy cơ mắc các loại bệnh như tăng huyết áp, tim mạch, suy thận, viêm cầu thận… cao hơn so với những người có thói quen ăn vừa muối hơn", bác sĩ Hà cho hay.

Bác sĩ Hà khuyến cáo lượng muối tiêu thụ hằng ngày chỉ ở mức 6g/người/ngày, bao gồm cả lượng muối có trong nước mắm, nước tương, rau củ muối…

Đối với những thực phẩm đã được chế biến (giò, chả, đồ hộp, dưa muối, củ cải, thịt hun khói…), khi sử dụng phải tính luôn trong 6g muối khuyến cáo, còn nếu sử dụng thêm muối thì lượng muối tiêu thụ sẽ cao lên.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 2023 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2018-2025.

Bộ Y tế cho biết sẽ có nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về dán nhãn thực phẩm như: công bố hàm lượng muối trong sản phẩm, cảnh báo thực phẩm nhiều muối, cảnh báo tác hại sức khỏe của ăn nhiều muối và khuyến nghị về lượng muối tối đa tiêu thụ cho một người/ngày;

Bổ sung các quy định để kiểm soát, hạn chế quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thực phẩm chứa nhiều muối, đặc biệt là đối với trẻ em và các nhóm đối tượng nguy cơ cao…

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại