PGS Tạ Văn Bình – nguyên giám đốc Bệnh viện Nội Tiết trung ương cho biết, ông đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường và đã cướp đi sự sống của họ trong dịp Tết.
Người Việt còn quan niệm Tết là ăn chơi. Mặc dù hiện nay việc ăn uống Tết không nặng nề lắm, ăn uống hàng ngày nhưng ngày Tết mọi sinh hoạt đảo lộn hết khiến bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ hạ đường huyết, tử vong.
PGS Bình xót xa kể trường hợp của một bệnh nhân nữ do ông trực tiếp điều trị. Bệnh nhân người Hà Nội chỉ ngoài 40 tuổi. Trước Tết vẫn tới khám bác sĩ, kiểm tra đường máu và lấy đơn insulin về tiêm. Bác sĩ kê đơn insulin và tư vấn tiêm trước bữa ăn.
Nguy cơ hôn mê do hạ đường huyết
Sau khi, tiêm xong insulin bệnh nhân lại vội vàng nấu nướng cho cả gia đình mà quên không ăn gì dẫn tới hạ đường huyết cấp hôn mê và người nhà không cấp cứu kịp. Khi phát hiện ra người bệnh đã nguy kịch đưa đi cấp cứu đã muộn, toàn bộ não đã tổn thương.
Nếu chú ý, người bệnh chỉ cần nhớ tới bữa là phải ăn để tránh hạ đường huyết thì có thể đã không dẫn tới câu chuyện đau lòng.
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Bác sĩ Bình kể trường hợp bệnh nhân Đỗ Văn Trung (56 tuổi, gia đình cũng sống tại Hà Nội) mùng 3 Tết, ông về quê chơi đến nhà nào cũng uống chút mà quên không ăn gì. Ông Trung về nhà em trai ngủ đến khi gọi dậy đã bất tỉnh nhân sự do hôn mê hạ đường huyết. Cả gia đình vội vàng đưa lên bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Bình chia sẻ người bệnh vẫn còn chưa quan tâm thực sự tới bệnh của mình. Ngày Tết, bác sĩ gặp hai thái cực của người bệnh đái tháo đường: Thứ nhất mải uống, quên ăn; Thứ hai ăn quá nhiều gây tăng đường huyết.
Tuy nhiên, tăng đường huyết trong đái tháo đường không nguy hiểm bằng hạ được huyết. Vì đường huyết khi hạ có thể mất não sau 3 phút nếu không phải hiện kịp thời.
Hạ đường huyết là tình trạng xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp, dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl) dẫn tới cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động, gây nên các rối loạn cho cơ thể.
Làm gì để đi qua ngày Tết
Mấy năm gần đây, nhờ truyền thống, báo chí người bệnh nhận thức về bệnh đái tháo đường nguy hiểm như thế nào. Tuy nhiên, thực tế PGS Bình vẫn lo ngại vì bệnh đái tháo đường tăng hơn trước rất nhiều. Đặc biệt là người bệnh bị đái tháo đường mà không biết mình mang bệnh.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây có những cơ sở khuyến cáo về chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng cho người đái tháo đường nguy hiểm thậm chí có người mất mạng vì nhịn ăn quá mức. Có bệnh nhân ngày Tết không chú ý ăn tinh bột, chỉ chú ý ăn nhiều chất đạm, bia rượu sẽ là điều tai hại gây ra nhiều biến chứng không có lợi cho bệnh.
PGS Tạ Văn Bình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương
PGS Bình nhấn mạnh với bệnh đái tháo đường, Tết vui thì vui nhưng đừng quên uống thuốc. Nếu có uống quá chén bia, chén rượu nhưng bệnh nhân vẫn uống thuốc đầy đủ thì vẫn không hại bằng không uống thuốc.
Trước đây người bệnh ăn uống theo kế hoạch, lập trình sẵn có ăn chính bữa sáng, ăn đủ bữa trưa, ăn nhẹ bữa tối. Nhưng ngày Tết người ta lại làm ngược lại, nhịp sinh hoạt hàng ngày đảo lộn. Có người đi chơi quên mang thuốc, có người quên ăn… đủ các lý do có thể khiến người bệnh mất mạng trong dịp Tết.
PGS Bình nhấn mạnh ngày Tết để an toàn với bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ điều trị. Đặc biệt, người bệnh dù có thể nào thì cũng phải thu xếp thời gian tăng vận động thể dục để đúng lộ trình.
Khi bệnh nhân cảm thấy mệt đột ngột, cảm giác chóng mặt, đau đầu, lo âu, cảm giác tay chân nặng nề, yếu, vã mồ hôi thường ở lòng bàn tay, trán, nách, hồi hộp đánh trống ngực, lo âu, hốt hoảng, mất bình tĩnh, run tay chân... cần nhanh chóng bổ sung đường có thể ăn bánh, ăn kẹo.
Nếu không đỡ cần uống tối thiểu 15g đường (3 miếng đường hoặc 3 thìa cafe đường pha trong 100ml nước). Tình trạng hạ đường huyết nặng cũng cần xử trí ban đầu như vậy rồi đưa bệnh nhân tới bệnh viện để xử trí cấp cứu nâng cao.