Bộ Chỉ huy mới của NATO đóng tại Ulm, Đức, và bắt đầu hoạt động từ ngày 17/9/2019, phát ngôn viên của NATO Oana Lungescu thông báo.
Bộ Chỉ huy mới của NATO có nhiệm vụ riêng sau khi một báo cáo gần đây tiết lộ về việc sườn phía đông của NATO dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công đột ngột của Nga như thế nào và tầm quan trọng của các lực lượng vũ trang trong các nỗ lực phòng thủ của liên minh NATO.
Nga đang triển khai khoảng 760 xe tăng ở các đơn vị đóng tại những khu vực nằm trong tầm tấn công nhanh của các nước Baltic là thành viên của NATO. Các nước NATO duy trì một lực lượng khoảng 130 xe tăng trong cùng khu vực này và khoảng 90 trong số đó là các xe tăng M-1 của Mỹ được triển khai theo chế độ luân phiên tạm thời.
Năm 2016, tập đoàn RAND tiến hành một cuộc tập trận dựa trên kịch bản một cuộc tấn công xâm lược của Nga nhằm vào khu vực Baltic. Trong kịch bản này, lực lượng Nga đã nhanh chóng áp đảo hoàn toàn lực lượng NATO. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã nhanh chóng triển khai trực thăng và lực lượng binh sĩ cơ động đến để đối phó với Nga. Tuy nhiên, xe tăng của NATO đã triển khai quá chậm.
Bộ Chỉ huy mới của NATO ra đời để làm nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ triển khai lực lượng xe tăng của liên minh trong trường hợp phải đối phó với Nga. Theo NATO, Bộ Chỉ huy mới sẽ giúp điều động nhanh các phương tiện bọc thép của Mỹ cũng như các xe tăng của Anh, Italia, Đức, Ba Lan....
“Bộ Chỉ huy mới ở Ulm sẽ giúp các lực lượng của chúng tôi trở nên cơ động hơn và có thể nhanh chóng tăng cường triển khai trong liên minh, đảm bảo rằng chúng tôi sẽ có các lực lượng đủ mạnh được triển khai đúng nơi và đúng lúc”, phát ngôn viên Lungescu cho hay.
Bộ Chỉ huy mới có thể có 160 nhân sự vào năm 2021. Trong một cuộc khủng hoảng, sức mạnh của nó có thể tăng lên 600 người.
Động thái mới nhất của NATO diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa liên minh này với Nga đang rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do cuộc khủng hoảng ở Ukraine gây ra. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.
Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.