Phương Tây vẫn thường xuyên cáo buộc Nga tăng cường quân sự ở biên giới để thực hiện cái gọi là hành vi "xâm lược" các quốc gia NATO tại đây, bao gồm Ba Lan và các nước Baltic.
Về phần mình Nga thường xuyên chỉ trích những cáo buộc của NATO là vô lý, cho rằng chính liên minh quân sự này mới đang mở rộng mối đe dọa về phía Đông.
Trong trường hợp NATO tiến hành tấn công vào Kaliningrad - vùng cực Tây của Nga – tình hình sẽ dẫn đến ngày tận thế hạt nhân và ảnh hưởng đến cả các quốc gia không liên quan, nhà bình luận quân sự Mikhail Khodarenok viết trên RT.com
Phương Tây tự tin khi chiếm giữ Kaliningrad?
Truyền thông phương Tây gần đây đã thường xuyên đưa ra các kịch bản về cách mà Kaliningrad - tiền đồn của Nga ở châu Âu - có thể bị tấn công như thế nào trong trường hợp xung đột hai bên xảy ra.
Trong phản ứng của mình, phía Nga cáo buộc các bài viết như vậy chỉ nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền cho tổ hợp công nghiệp quân sự của các thành viên NATO.
"Các quốc gia láng giềng luôn có mục đích triển khai quân sự chỉ vì tiền. Kaliningrad chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng quốc phòng để đáp ứng với các nguy cơ tấn công từ Baltic, Ba Lan và các nơi khác. Đây không phải là về một hành vi xâm lược mà là những biện pháp phản ứng", Thống đốc của Kaliningrad, Anton Alikhanov nói với RIA Novosti.
Nga tuyên bố xây dựng hệ thống phòng thủ ở Kaliningrad nhằm mục đích tự bảo vệ mình.
Đầu năm nay, tướng Jeffrey Lee Harrigian, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi, nói rằng Lầu Năm Góc đã thiết kế một kế hoạch hạ gục hệ thống phòng không của vùng Kaliningrad trong trường hợp mà Nga "xâm lược", một tuyên bố đã vấp phải chỉ trích từ Moscow.
Cùng với đó, Richard D. Hooker, thành viên cao cấp tại Jamestown Foundation đã đưa ra kịch bản về một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga và liên minh tại Baltics. Theo nhân vật này, Nga chắc chắn sẽ mất vùng Kaliningrad, một khi NATO ra tay.
Trong khi đó, theo trang Eastday.com của Trung Quốc, NATO có thể chiếm giữ khu vực ngoài khơi của Nga chỉ sau hai ngày.
Để phản bác lại kịch bản trên, nhà bình luận quân sự Mikhail Khodarenok đính chính rằng, không có thông tin nào cho thấy quân đội Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công ở Kaliningrad.
Nó có nghĩa là không có dấu hiệu của việc triển khai tài sản chiến lược và hoạt động của Nga trong khu vực. NATO dường như hiểu rõ ràng điều đó và không nên lấy cớ để phát động tấn công.
Các hoạt động của quân đội Nga ở Kaliningrad không có gì vượt quá khuôn khổ những hoạt động trong thời bình. NATO không có bất kỳ báo cáo tình báo nào cho thấy quân đội Nga đã chuyển sang tư thế thời chiến hoặc đã có bất kỳ triển khai hoạt động tập trung lực lượng nào.
Hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho thấy các đơn vị hỗ trợ tên lửa, pháo binh hoặc tác chiến điện tử đã được chuyển đến các vị trí được chỉ định trong vùng Kaliningrad và sẵn sàng cho một cuộc tấn công.
Không có quân đội được đến gửi để sẵn sàng ứng chiến trong các khu vực hoạt động. Máy bay cũng không hề được chuyển đến bất kỳ sân bay biên giới nào, bình luận viên Khodarenok nhấn mạnh.
Trên thực tế, Nga đơn giản là không có đủ tài sản quân sự để phát động một cuộc tấn công và mọi chuyên gia NATO về hoạch định chiến lược đều biết điều đó.
Nga đáp trả bằng hạt nhân?
Về kịch bản giả định rằng trong trường hợp xung đột, NATO sẽ kiểm soát hoàn toàn Kaliningrad, Moscow sẽ không chịu ngồi yên nhìn lực lượng của mình bị nghiền nát. Nga sẽ ngay lập tức đáp trả bằng cách sử dụng cả vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược.
Do đó, các chỉ huy và chuyên gia quân sự phương Tây về cơ bản đã sai lầm khi nghĩ rằng trận chiến giành Kaliningrad sẽ chỉ là trận đánh cục bộ mà không vấp phải phản ứng trên quy mô lớn.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga sẽ nhanh chóng thể hiện quyết tâm sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong tình thế này, Moscow sẽ hành động quyết đoán, với độ chính xác cao.
Nói cách khác, ngay khi những phát súng đầu tiên được bắn vào vùng Kaliningrad, Nga sẽ bắt đầu sử dụng tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt, trước hết là vũ khí hạt nhân chiến lược", nhà bình luận quân sự Khodarenok nêu quan điểm.
Rõ ràng là bất kỳ việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nào cũng sẽ gây ra sự tổn thất vô cùng lớn đối với lực lượng trong nước cũng như lan tỏa ra các vùng khác.
Còn về nhận định cho rằng, nếu NATO và Nga tham chiến, liên minh quân sự phương Tây có thể chiếm giữ khu vực Kaliningrad trong vòng hai ngày, Khodarenok cho rằng, cuộc đối đầu sẽ không kéo dài lâu như vậy khi Nga sẽ mất không quá 40-45 phút để tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, và sau đó hai bên sẽ buộc phải ngồi lại đàm phán với nhau trước ngưỡng cửa tận thế hạt nhân.
Tóm lại, trận chiến cho Kaliningrad trong mọi trường hợp sẽ không còn là một cuộc xung đột quân sự đơn thuần. Nó sẽ trở thành một cuốn phim về một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Và ngay cả các quốc gia không tham gia vào cuộc xung đột này cũng sẽ phải chịu hậu quả.
Do đó, tất cả các chuyên gia và nhà hoạch định kế hoạch của NATO một khi muốn bước vào một cuộc chiến ở một khu vực nào đó của Nga nên ghi nhớ yếu tố quan trọng này, bình luận viên Khodarenok kết luận.