Binh sĩ Pháp kiểm tra xe chiến đấu tại căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu, Romania, ngày 14/6. Ảnh: AP
Kênh truyền hình RT dẫn lời ông Jens Stoltenberg tiết lộ với phóng viên hôm 29/6 rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gia tăng chi tiêu quân sự và điều động binh sĩ ở Đông Âu kể từ năm 2014 nhằm đề phòng xung đột với Nga.
Phát biểu sau cuộc họp giữa các thành viên NATO và các đối tác ở Madrid, ông Stoltenberg cáo buộc Nga sử dụng vũ lực ở Donbass, miền đông Ukraine, kể từ năm 2014. Trong khi đó, Moskva lại khẳng định các lực lượng của Kiev đã nã pháo vào các thành phố Donbass kể từ khi hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vào năm đó.
"Thực tế là chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này từ năm 2014. Đó là lý do mà chúng tôi tăng cường sự hiện diện ở sườn phía Đông của liên minh, cũng như tại sao các đồng minh NATO bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng và tại sao chúng tôi lại tăng cường tính sẵn sàng", nhà lãnh đạo NATO nói.
Theo số liệu của NATO, các thành viên châu Âu của liên minh và Canada đã tăng chi tiêu quân sự từ 1,2% đến 5,9% mỗi năm kể từ năm 2014. Tuy nhiên, chỉ 10 trong số 30 quốc gia NATO hiện đạt được mục tiêu của khối là chi 2% GDP cho quốc phòng.
Mức gia tăng chi tiêu đáng chú ý nhất ở khu vực Đông Âu và vùng Baltic chính là các nước gồm Ba Lan, Litva, Estonia, Latvia, Séc, Slovakia và Romania. Các nước này đều lần đầu tiên đạt mục tiêu vào năm 2022.
Các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6. Ảnh: AP
Trước đó cùng ngày, các thành viên khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đã đồng ý thông qua Khái niệm Chiến lược mới. Kế hoạch chi tiết này đã đưa ra lập trường của liên minh đối với các đối tác, các nước không phải thành viên và các đối thủ, trong đó nêu rõ Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với khối.
Việc gán cho Nga là "mối nguy hiểm hiện hữu và rõ ràng" trong Khái niệm chiến lược mới của NATO - một tài liệu hoạch định chính sách hàng thập kỷ một lần - thể hiện phán quyết chính thức của các nhà lãnh đạo NATO về cuộc xung đột của Nga ở Ukraine trong cuộc chiến tranh quy mô lớn đầu tiên ở châu Âu trong thế kỷ 21.
Tổng thư ký NATO cũng cho biết liên minh này sẽ thực hiện các bước đi mới để giúp hiện đại hóa quân đội Ukraine, nhưng không rõ sự hỗ trợ có đủ hoặc đến đủ nhanh để khiến cán cân cuộc chiến có lợi cho Kiev.
Mặt khác, Điện Kremlin coi việc NATO mở rộng sang các nước thuộc Liên Xô cũ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc - điều mà các nhà lãnh đạo phương Tây đã hứa một cách rõ ràng vào đầu những năm 1990 sẽ không xảy ra - là một mối đe dọa chống lại an ninh của Nga. Lập trường chính thức của NATO về Ukraine, được nêu trong Tuyên bố Bucharest năm 2008, là nước này và Gruzia sẽ trở thành thành viên của NATO vào một ngày không xác định trong tương lai. Nga đã viện dẫn việc Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là nhân tố chính dẫn đến cuộc xung đột hiện nay.
Mặc dù liên tục mở rộng phạm vi hoạt động vào khối phía Đông cũ sau Chiến tranh Lạnh, ông Stoltenberg vẫn tuyên bố rằng NATO đã nỗ lực vì một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga trong nhiều thập kỷ qua.