Cuộc tập trận Đinh ba Giáp chiến 2018 (Trident Juncture) sẽ diễn ra từ ngày 23.10 đến ngày 7.11 tới, có sự tham gia của binh lính tất cả 29 nước thành viên NATO và quân đội Phần Lan, Thụy Điển, tức gồm khoảng 50.000 quân, 70 tàu chiến, 120 máy bay, 10.000 xe.
Kịch bản chiến đấu của cuộc tập trận là quân đồng minh chống lại một cuộc tấn công từ phương bắc, một trong những mặt trận mà NATO giáp kình địch Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Cuộc tập trận này do Na Uy tổ chức ở miền trung và miền đông nước này, các vùng quanh Bắc Đại Tây Dương và vùng biển Baltic, gồm cả Iceland và không phận Phần Lan, Thụy Điển. Đinh ba Giáp chiến 2018 sẽ chú trọng đề nghị giúp đỡ của một đồng minh NATO, dựa vào Điều khoản 5 của NATO, vốn quy định các đồng minh sẽ đến bảo vệ một nước đồng minh bị tấn công.
Tại cuộc họp báo, khi được hỏi có phải cuộc tập trận này nhằm chuẩn bị chiến tranh với Nga, Đô đốc hải quân Mỹ James Foggo nói một trong những thông điệp là “cho thấy NATO có khả năng phòng thủ, ngăn chặn bất kỳ kẻ thù nào”.
Vị chỉ huy hải quân Mỹ ở châu Âu-châu Phi và là chỉ huy toàn thể hải quân NATO còn cho biết nhóm tác chiến của tàu sân bay Harry S.Truman từ ngày 16.9 đang từ căn cứ ở Norfolk (bang Virginia) khẩn trương quay trở lại châu Âu để tham gia Đinh ba Giáp chiến 2018.
Đô đốc Foggo nói ông hài lòng với việc nhóm khu trục hạm và một tuần dương hạm đều mang tên lửa hành trình của tàu sân bay Truman trở lại khu vực Bắc Đại Tây Dương, theo chủ trương của Mỹ là khôi phục tinh thần sẵn sàng yểm trợ các đồng minh và đối tác trong một cuộc chiến tranh lớn dù chỉ được báo trước một vài ngày, và cũng nhằm bảo vệ quyền lợi an ninh quốc gia Mỹ.
Ông cũng nói hải quân Mỹ và NATO đang xử lý những thách thức khu vực, từ những động thái quân sự “ngày càng hung hăng” của Nga: “Phòng vệ chung đã trở thành chủ đề của các cuộc tập trận của NATO, từ những thay đổi về tình hình an ninh, nhất là sau khi Nga chiếm Crimea trái phép, và Nga phục hồi khả năng ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực”.
Trung tướng Rune Jakobsen của quân đội Na Uy nói Đinh ba Giáp chiến 2018 sẽ diễn ra cách biên giới Nga hơn 1.000km, hoạt động không quân cách biên giới Nga 500km, nên “không có bất kỳ lý do nào để Nga phải sợ trước một cuộc huấn luyện phòng thủ”.
Na Uy là thành viên NATO, trong khi Phần Lan và Thụy Điển đang xem xét việc gia nhập NATO vì sợ Nga.
Phía Nga đã luôn chỉ trích NATO quân sự hóa vùng biên giới phía tây bằng cách dàn hàng ngàn quân, có cả lính Mỹ. Người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga nói đó là các hành động vô trách nhiệm, sẽ gây bất ổn cho tình hình chính trị, quân sự ở Bắc Âu, gây căng thẳng và phá quan hệ Nga-Na Uy. Bà Zakharova còn nói thêm rằng Nga sẽ có những biện pháp trả đũa, để bảo đảm an ninh quốc gia Nga.
Nga đã lập quan hệ với các đồng minh khi cảm nhận bị phương Tây bao vây. Hồi tháng 9 vừa rồi, Nga mở cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 1981, mang tên Vostok 2018 và có sự tham gia của quân đội Trung Quốc và Mông Cổ.
Lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói Vostok 2018 có 300.000 quân, hơn 1.000 máy bay, trực thăng và máy bay không người lái, 80 tàu chiến và tàu hậu cần cùng 36.000 xe tăng, xe bọc thép cùng các phương tiện khác. Trung Quốc cử 3.600 quân cùng khí tài quân sự.
Năm 2017, Nga cùng Belarus có cuộc tập trận chung Tây Tiến 2017 (Zapad) gần vùng biên giới NATO. Khi ấy, nhiều nhà phân tích phương Tây sợ cuộc tập trận này là cớ để Nga xâm chiếm một nước láng giềng, nhưng đó là những quan ngại vô lý.
Tuy nhiên, Nga-NATO vẫn củng cố các vị trí, tổ chức nhiều cuộc tập trận nhằm phô trương khả năng sẵn sàng tác chiến trong một cuộc chiến tổng lực.