Tàu khu trục USS Porter (DDG 78) có tên lửa dẫn đường trên Biển Baltic ngày 6/6/2022. Ảnh: Hải quân Mỹ
Tổng cộng có 50 tàu chiến, 5 tàu ngầm, 5 chiến đấu cơ, 1.500 thủy thủ và binh lính từ 12 nước thành viên NATO đã tham gia cuộc tập trận mang tên Dynamic Mariner 22 do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức. Cuộc tập trận này diễn ra ở phía Bắc Biển Đen, nơi phương Tây cho là Hải quân Nga đang tiến hành các cuộc tấn công Ukraine.
Một số nhiệm vụ mà các lực lượng của NATO đặt ra trong cuộc tập trận này là chiến tranh chống tàu ngầm, chiến tranh chống hạm nổi, các biện pháp ứng phó với mìn cũng như các chiến dịch không kích, bảo vệ lực lượng, chiến tranh lai và tấn công đổ bộ.
Các quốc gia đưa quân đội và khí tài tham gia cuộc tập trận này gồm: Bỉ, Bulgaria, Canada, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Tây Ban Nha và Mỹ.
"Dynamic Mariner là một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn có vai trò quan trọng. Sự kiện năm nay có nhiều khí tài hơn so với các năm trước đó, tạo điều kiện để tăng cường sự tương tác giữa các quốc gia cũng như nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh cũng như đối tác khác để ngăn chặn các hành vi gây hấn và bảo vệ liên minh", Phó Đô đốc Hải quân Pháp Didier Piaton đồng thời là Phó Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân (MARCOM) của NATO cho hay.
Cuộc tập trận trên diễn ra giữa bối cảnh quan hệ giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức thấp. Trong những năm qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã theo đuổi một số lập trường xung đột với các giá trị chung của NATO, khiến một số thành viên trong liên minh này không hài lòng. Theo đó, bất chấp cảnh báo và xung đột lợi ích, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga. Động thái này đã khiến Ankara bị loại khỏi Chương trình Tiêm kích Tàng hình F-35 và có thể sẽ không bao giờ nhận được chiến đấu cơ thế hệ thứ năm này.
Bên cạnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hợp tác với các quốc gia được coi như đối thủ của NATO là Nga và Iran cũng khoét sâu rạn nứt giữa Ankara và liên minh này. Trên thực tế, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga vẫn là "cái gai" trong mắt NATO. Mặc dù là thành viên NATO từ năm 1952 nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho phép chiến đấu cơ của Nga bay trên không phận của mình và Ankara chỉ đóng cửa lối vào Eo biển Bosporus dẫn tới Biển Đen sau khi Hải quân Nga điều động tàu chiến tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trên mặt trận trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước duy nhất trong NATO không thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt mà liên minh này áp lên Nga vì cuộc chiến ở Ukraine./.