Quan chức cấp cao thuộc Hội đồng Bắc Cực, ông Nikolay Korchunov mới đây đã đưa ra tuyên bố thẳng thắn về khả năng leo thang căng thẳng ở Bắc Cực do các hành động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gây ra.
Theo ông, an ninh quân sự ở Bắc Cực không được cải thiện bởi các nỗ lực chung của các nước giáp duyên hải khu vực này.
Thay vào đó những hành động của NATO như việc mở rộng thêm lãnh thổ bằng cách kết nạp thêm thành viên Phần Lan và chuẩn bị các bước triển khai căn cứ quân sự ở đây sẽ càng khiến tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng.
Với việc trở thành thành viên chính thức của NATO, Phần Lan sẽ không chỉ thực hiện các cuộc tập trận mà bản thân họ cũng sẽ đón các thành viên NATO đến tập trận trên lãnh thổ của mình. Trong số đó, sẽ có những quốc gia không thuộc thành viên của Hội đồng Bắc Cực. Điều này gây lo ngại cho phía Nga.
"Chúng tôi không thấy có bất cứ dấu hiệu cải thiện nào về an ninh quân sự ở Bắc Cực. Sự mở rộng của NATO đang tiếp tục và ngày càng tiến gần hơn đến khu vực. Phạm vi các cuộc tập trận quân sự của liên minh đang gia tăng và các quốc gia thành viên không thuộc Bắc Cực sẽ tích cực tham gia vào các cuộc tập trận đó" - ông Nikolay Korchunov nhận định.
Quan chức Ngoại giao Nga cũng cho rằng các nước phương Tây đang tăng cường hướng tới các mối quan hệ đối đầu và thúc đẩy lợi ích của chính họ ở Bắc Cực và gây phương hại đến lợi ích của các nước khác.
"Trong trường hợp đó, chúng tôi không thể loại trừ khả năng leo thang trong khu vực này" - quan chức Nga nhấn mạnh.
Hồi tháng 2 năm nay, khi Phần Lan chưa trở thành thành viên chính thức của NATO, ông Korchunov đã tuyên bố rằng, NATO đang ngày càng can thiệp sâu vào kinh tế và hợp tác hòa bình của các nước khác vì sự phát triển bền vững của khu vực Bắc Cực.
Trước đó, Gregory Pollock, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và Bắc Cực với an ninh quốc gia Mỹ đã tuyên bố rằng, Mỹ nhận thấy cần thay đổi chiến lược ở Bắc Cực do những diễn biến trong tình hình an ninh toàn cầu, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Ukraine và biến đổi khí hậu.
Ông cho rằng, NATO cùng với 7 nước Bắc Cực cần phải sẵn sàng cho hàng loạt các kết quả và đảm bảo khả năng tương tác với nhau một cách phù hợp, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm đối phó với các diễn biến bất thường trong khu vực.
Đáp trả lại tuyên bố này, ông Korchunov khẳng định: "Việc đưa Bắc Cực vào khu vực lợi ích của NATO chỉ làm phức tạp thêm tình hình trong khu vực, làm gia tăng nguy cơ xung đột và tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với các quốc gia khác, bao gồm cả Nga."
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước Nga nhìn về Bắc Cực với quan điểm phát triển kinh tế và khả năng phòng thủ của đất nước, cũng như ngăn chặn các trường hợp khẩn cấp.
Bắc Cực là một khu vực đầy tài nguyên quý giá với các mỏ kim loại và các nguồn khí đốt và dầu mỏ lớn nhất thế giới trị giá hơn 30.000 tỷ USD.
Nga sở hữu hai tuyến đường biển: Tuyến đường Biển Bắc (NSR) và Hành lang Tây-Bắc (NWP), xuyên suốt Bắc Cực, tạo ra các con đường thông thương kết nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, với tốc độ băng tan hiện nay, dự báo đến cuối thế kỷ này, Bắc Cực sẽ hoàn toàn mất băng, mở ra cơ hội cho tàu chở hàng hoạt động suốt năm trên các tuyến đường dọc lãnh thổ Nga.
Hai quốc gia Phần Lan và Thụy Điển không có quyền duyên hải Bắc Cực trong khi 8 quốc gia thành viên Hội đồng Bắc Cực đều có phần lãnh thổ ở Bắc Cực. Song cho đến nay, nhiều quốc gia không nằm ở khu vực Bắc Cực như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang rất quan tâm đến khu vực chiến lược này.