Nga có thể mở căn cứ quân sự, giúp Lybia đánh IS?
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 21/02 đã đáp trả lại tuyên bố mới đây của người đồng cấp Anh Michael Fallon. Trước đó, ông Fallon đã dùng những từ ngữ không mấy tế nhị khi bình luận về việc phương Tây không hài lòng về thái độ của Nga đối với Libya.
Cách đây vài hôm đã xuất hiện thông tin cho biết, sau khi hoàn thành sứ mệnh quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria hồi tháng 1 vừa qua, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và biên đội tàu hộ tống của Nga đã ghé cảng Torbuk của Libya trong vài giờ.
Nhà báo Paul Anton Kruger viết trên tờ Tages Anzeiger rằng, sau khi tàu cập cảng, đã diễn ra một hội nghị truyền hình giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và ông Khalifa Haftar - Tổng Tư lệnh quân đội của chính quyền "Nghị viện Libya", nắm quyền kiểm soát phía Đông đất nước.
Theo thông tin chính thức, các ông Shoigu và Haftarah đã bàn về hợp tác chống khủng bố. Tuy nhiên, "các nguồn tin thân cận với chính phủ" khẳng định, hai quan chức này đã thảo luận kế hoạch Nga trở lại Trung Đông, đồng thời triển khai hai căn cứ quân sự ở Tobruk và Benghazi của Lybia.
Bài báo nhận định, sau những hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi bị giết, việc chính phủ Libya không ngăn nổi sự sụp đổ của nhà nước vào năm 2015 là "một cơ hội cho Moscow".
Bình luận về thông tin "Nga đang mua chuộc phía Đông Libya", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói rằng, phương Tây không hài lòng trước các liên hệ của Nga với Libya trong thời gian qua, các nước phương Tây "không muốn con gấu thò chân vào đó".
Lực lượng "Quân đội Quốc gia Libya" (LNA - Libyan National Army) ở Benghazi tháng 12/2011
Sau khi nghe tuyên bố của người đồng cấp Anh, Đại tướng Shoigu nói khi phát biểu tại Học viện Quan Hệ Quốc Tế Moscow (MGIMO) rằng: "Bây giờ chúng ta nói về chủ đề ‘động vật’ nhé. Trên quốc huy của họ vẽ gì? Sư tử có phải không? Có một câu ngạn ngữ cổ rằng: Tất cả sư tử đều là mèo, nhưng không phải tất cả mèo đều là sư tử".
Ông nhấn mạnh rằng, đối với tuyên bố của người đồng cấp Anh, hãy để mọi người tự hiểu lấy vấn đề riêng của họ. Vị Bộ trưởng Quốc phòng Nga hóm hỉnh nói thêm rằng: "…chúng tôi không nghĩ rằng sở thú của họ (NATO) đã có con thú nào để sức mạnh để có thể ra lệnh cho gấu"
Nga-Mỹ đang lợi dụng rối ren để nắm quyền chi phối Libya?
Sau khi chế độ Muammar Gaddafi bị lật đổ với cái chết thê thảm của ông này vào tháng 10/2011, Libya đã trở nên vô cùng loạn lạc, xung đột giữa những nhóm chính trị và sắc tộc khác nhau bùng phát trên cả nước sau đó đã chia rẽ đất nước thành 2 nửa.
Nắm quyền ở Tripoli, quản lý khu vực phía Tây đất nước là Chính phủ quốc gia Libya, được các nước phương Tây hỗ trợ. Còn ở thành phố Tobruk bầu ra "Nghị viện Libya", quản lý khu vực phía Đông đất nước, chịu ảnh hưởng lớn của tướng Khalifa Haftar - lãnh đạo lực lượng "Quân đội Quốc gia Libya" (LNA).
Các bên đã ký thỏa thuận hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc hồi tháng 12/2015. Theo thỏa thuận này, Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo, đứng đầu là Thủ tướng Fayez Serraj đã được thành lập và bắt đầu hoạt động ở Tripoli từ ngày 30/3/2016.
Lực lượng "Quân đội Quốc gia Libya" (LNA) đang nắm giữ khu vực phía Đông Libya
Mặc dù vậy, cho đến nay GNA vẫn đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong bối cảnh quốc hội do dân bầu (tức "Nghị viện Libya") ở Tobruk, vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này trong khi chính quyền ở Tripoli cũng không muốn từ bỏ quyền lực.
Hiện "Chính phủ quốc gia Libya" được các nước phương Tây hỗ trợ đang đứng trên bờ vực tan rã, còn "Nghị viện Libya" do Tướng Haftar lãnh đạo (được coi là do Nga hỗ trợ) ở thành phố Tobruk thì ngày càng mạnh lên và đang kiểm soát vững chắc nửa phía đông đất nước.
Theo giới phân tích, Nga đang có quan hệ rất tốt với "Nghị viện Libya" ở thành phố Tobruk, do Tướng Haftorah lãnh đạo. Có thông tin cho rằng, sự lớn mạnh của lực lượng "Quân đội Quốc gia Libya" (LNA) ở khu vực phía Đông đất nước này có sự hậu thuẫn đắc lực của Nga.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chính trị rối ren ở Libya, Nga đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng, nhằm chi phối đường lối chính trị của quốc gia này và trong tương lai, Nga sẽ triển khai một số căn cứ quân sự ở Libya, giúp họ đánh khủng bố IS, biến quốc gia Bắc Phi này thành một "Syria thứ 2".
Hiện nay, có thông tin cho rằng, cả Nga lẫn Mỹ đang có ý định can thiệp quân sự vào Libya với mục đích chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang châu Phi, thông qua đất nước Libya.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mục đích thật sự của cả Nga lẫn Mỹ là nhằm tranh giành ảnh hưởng địa-chính trị, ngăn chặn không cho đối thủ nắm quyền chi phối đến chính quyền tương lai của Libya, hoặc ít nhất là mỗi bên nắm quyền điều khiển một nửa đất nước.