NATO ngó lơ trước lời "thỉnh cầu" của Ankara: Thổ Nhĩ Kỳ một mình đương đầu với Nga-Syria

Trà Khánh |

Có một điều gần như chắc chắn là NATO sẽ không can thiệp quân sự vào Syria, bất chấp những tổn thất mà Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phải gánh lấy trong những ngày qua.

Theo RT, ngay sau khi xuất hiện thông tin 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong các cuộc không kích của Quân đội Syria (SAA) ở miền Nam Idlib hôm 27/2, NATO đã ngay lập tức họp khẩn đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Ankara cũng như bày tỏ tinh thần đoàn kết giữa các nước thành viên thuộc liên minh quân sự này.

Tuy nhiên, điều khá trớ trêu là NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) lại ngó lơ yêu cầu bảo vệ đồng minh của Ankara, theo đó Bruxelless sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động viện trợ hay can thiệp quân sự nào nhằm hỗ trợ Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến ở Syria.

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, điều duy nhất mà NATO có thể làm cho Thổ Nhĩ Kỳ lúc này chính là giúp Ankara tăng cường các hệ thống phòng không và cảnh báo sớm nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa thể xảy ra từ phía Syria.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng lên tiếng chỉ trích các hoạt động quân sự của Nga và Syria ở Idlib, đẩy Trung Đông đứng trước nguy cơ một cuộc xung đột mới. Tuy nhiên, người đứng đầu NATO lại không đề cập tới các nhóm phiến quân khủng bố đang hoạt động ở Idlib.

Với tuyên bố trên, chắc chắn NATO sẽ không dính vào cuộc chiến ở Syria và chỉ khi nào vùng chiến sự nổ ra bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ thì sự can thiệp của liên minh quân sự này mới được tính đến, tuy nhiên khả năng này rất khó xảy ra. 

Sự kiện này cũng cho thấy rõ quan điểm của Bruxelless về vấn đề Syria, đó là đặt lợi ích của tất cả nước thành viên lên trên hàng đầu thay vì của một vài nước cá biệt nào đó. 

NATO ngó lơ trước lời thỉnh cầu của Ankara: Thổ Nhĩ Kỳ một mình đương đầu với Nga-Syria - Ảnh 2.

Khả năng NATO đưa quân tới Syria giúp Thổ Nhĩ Kỳ gần như bằng "không", bởi liên minh này không thích viễn cảnh đối đầu quân sự với Nga. Ảnh: Foreign Policy.

Như vậy, nếu trong trường hợp một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra ở Syria thì đây là vấn đề của Ankara chứ không phải của NATO, tất nhiên Bruxelless sẽ không đứng yên xem Moscow "bắt nạt" thành viên của mình nhưng họ sẽ không tìm kiếm một cuộc chiến với Nga. 

Trong cuộc họp báo mới đây của Bộ Quốc phòng Nga cho rằn,  thời điểm diễn ra vụ không kích của Quân đội Syria vào các mục tiêu ở Idlib thì binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu bên cạnh phiến quân khủng bố trong khu vực.

Chính vì các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở lẫn với phiến quân nên bị hỏa lực Quân đội Syria tấn công gây ra thương vong lớn gần thị trấn Behun, phía Nam Idlib trong hôm 27/2.

Trung tâm hòa giải Nga ở Syria cho biết, họ thường xuyên liên hệ với Ankara và liên tục đề nghị cung cấp thông tin về vị trí hoạt động của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo dữ liệu mà Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp thì đã không có binh lính nào của nước này hoạt động ở gần Behun trong vụ không kích kể trên của Quân đội Syria.

Phiến quân khủng bố dùng tên lửa chống tăng tấn công Quân đội Syria ở Nam Idlib.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại