NATO - Nga chuẩn bị kịch bản đối đầu

Xuân Mai |

Dù nỗ lực cứu vãn hiệp ước INF nhưng NATO cũng đã nhất trí những biện pháp đối phó trong trường hợp thỏa thuận này sụp đổ

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho hay NATO và Nga không đạt được bất kỳ tiến triển đáng kể nào về việc cứu Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF) sau cuộc họp tại trụ sở NATO hôm 5-7.

Phát biểu sau cuộc họp, Tổng Thư ký Stoltenberg nhìn nhận: "Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào về sự đột phá". Theo hãng tin Reuters, ông Stoltenberg đánh giá cơ hội tìm ra giải pháp ngày càng ít nhưng NATO vẫn không từ bỏ nỗ lực thuyết phục Moscow phá hủy tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 bị cho là vi phạm Hiệp ước INF.

Theo khối liên minh quân sự này, Hiệp ước INF cấm các tên lửa có tầm bắn từ 500-5.500 km.

Các chuyên gia và giới chức phương Tây lo ngại nguy cơ đổ vỡ hiệp ước sẽ cho phép Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chớp nhoáng vào châu Âu. Ông Stoltenberg cho rằng việc Nga tiếp tục vi phạm Hiệp ước INF là lý do duy nhất khiến hiệp ước năm 1987 này bị đe dọa.

Theo lãnh đạo khối liên minh quân sự này, Hiệp ước INF vẫn có thể được cứu vãn nếu Nga đồng ý phá hủy hệ thống vũ khí tầm trung 9M729 bị cho là vi phạm hiệp ước.

Trước đó, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận vào ngày 2-8 nếu Nga không tuân thủ trở lại. Hiệp ước được ký năm 1987 được xem là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt, theo đó cấm Nga và Mỹ sở hữu, sản xuất hoặc tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và tên lửa đạn đạo với tầm bắn từ 500-5.500 km.

Cho đến nay, Moscow vẫn liên tục khẳng định tên lửa có khả năng mang hạt nhân 9M729 có tầm bắn 479 km không vi phạm quy định Hiệp ước INF.

Về phần mình, Moscow cũng cáo buộc Washington vi phạm Hiệp ước INF khi xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa NATO ở Romania và nối lại chiến tranh lạnh bằng cách lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trong không gian. Một khi hiệp ước sụp đổ, các chuyên gia lo ngại Nga và Mỹ sẽ bắt đầu phát triển nhiều vũ khí hơn nữa.

Cũng trong ngày 5-7, theo hãng Sputnik (Nga), Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Vladimir Dzhabarov cảnh báo Moscow sẽ có những đáp trả thỏa đáng với việc các tên lửa tầm trung và tầm ngắn được triển khai ở các quốc gia châu Âu thuộc khối NATO.

Song song đó, đại diện thường trực của Nga tại NATO đánh giá các nỗ lực của NATO nhằm đổ lỗi cho Nga về sự sụp đổ của Hiệp ước INF là vô căn cứ.

Nga nhấn mạnh về sự cần thiết của việc các bên kiềm chế. Moscow cũng cho rằng ngay cả khi Mỹ rút khỏi hiệp ước, Nga cũng không có kế hoạch triển khai bất cứ vũ khí nào ở châu Âu và các khu vực khác miễn là Mỹ không đặt tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại những nơi đó. Hôm 3-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật đình chỉ Hiệp ước INF.

Trong khi đó, một số nguồn tin nói với tờ The New York Times (Mỹ) quan chức quân sự các nước NATO đang cân nhắc nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu nhằm vào các tên lửa đạn đạo và hành trình của Nga.

Ông Jim Townsend, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề châu Âu và NATO, nhận định bước đi này, nếu xảy ra, sẽ đánh dấu sự leo thang thực sự trong căng thẳng NATO - Nga và có nguy cơ bị đẩy đến mức không thể quay đầu.

Phản ứng trước thông tin trên, ông Stoltenberg khẳng định với Moscow rằng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu không nhắm trực tiếp vào Nga mà chỉ nhằm chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại