NATO lần đầu thực thi sứ mệnh giám sát bầu trời ngay sát cửa ngõ của Nga

Đức Trí |

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tiến hành các sứ mệnh giám sát trên không ngay sát cửa ngõ của Nga.

NATO lần đầu thực thi sứ mệnh giám sát bầu trời ngay sát cửa ngõ của Nga - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Pháp tuần tra không phận Estonia, thực thi sứ mệnh bảo vệ bầu trời của NATO, ngày 30/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn với Sky News, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace xác nhận nước này sẽ cùng với Đức dẫn đầu chiến dịch sắp diễn ra trên không phận của Estonia. Quốc gia Baltic này là nơi có chung đường biên giới phía Đông với Nga. Ông Wallace cho biết sứ mệnh sẽ giúp đảm bảo an ninh không phận của châu Âu, đồng thời tăng cường sự hiện diện của NATO ở Đông Âu vào thời điểm quan trọng như hiện nay.

Sứ mệnh này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa NATO và Nga vẫn ở mức cao do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine. Chính quyền Nga trong nhiều năm qua đã bày tỏ lo ngại về việc NATO mở rộng về phía Đông, trong đó có khả năng Ukraine sẽ gia nhập tổ chức này.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh nhận định sứ mệnh giám sát bầu trời là dấu hiệu cho thấy sự thống nhất của NATO khi liên minh quân sự này phải đối mặt với mối đe dọa từ phía Nga. NATO không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột Ukraine, vì quyết định đưa quân đến đó chắc chắn gây leo thang căng thẳng, nhưng đã trở nên đoàn kết hơn trong vấn đề Ukraine - quốc gia không phải là thành viên.

Khoảng 300 binh sĩ thuộc Không đoàn Viễn chinh số 140 của Anh sẽ được đưa đến Estonia để tham gia sứ mệnh nêu trên. Trong khi đó, Đức sẽ cung cấp máy bay chiến đấu Typhoon.

Theo nhật báo Telegraph, đây là lần đầu tiên không quân Hoàng gia Anh và không quân Đức sẽ thực hiện nhiệm vụ chung trong khuôn khổ NATO để bảo vệ không phận Estonia. Cùng với các binh sĩ Anh, các phi công Đức trên máy bay chiến đấu Typhoon sẽ tuần tra không phận Estonia trong thời gian 4 tháng.

Ông Erwan Lagadec, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, cho biết NATO đã tiến hành sứ mệnh tương tự sau khi các quốc gia vùng Baltic gia nhập vào khối này năm 2004, vì những quốc gia này có tiềm lực không quân hạn chế. Những chiến dịch đó đã được mở rộng hơn nữa sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

NATO và Nga từ lâu đã có mối quan hệ căng thẳng, vì Moskva coi liên minh này là mối đe dọa đối với an ninh của họ tại khu vực Đông Âu. Mới đây, Thụy Điển và Phần Lan, cũng có biên giới với Nga, đang tăng cường nỗ lực tham gia NATO, mặc dù tư cách thành viên của họ vẫn bế tắc vì Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại