Lãnh đạo các nước thành viên NATO ngày 14-6 ra thông cáo chung về cuộc họp thượng đỉnh, gọi Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống". Ảnh: Reuters
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại cuộc họp thượng đỉnh của các nước thành viên NATO ngày 14-6. Theo Kênh truyền hình Al-Jazeera, cuộc họp tại Brussels – Bỉ đánh dấu thắng lợi ngoại giao của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người từng thúc giục các quốc gia thành viên đáp trả sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Theo hãng tin Reuters, ngôn từ của thông cáo chung sau Hội nghị thượng đỉnh NATO thể hiện lập trường mạnh mẽ của NATO đối với Trung Quốc , tại sự kiện thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden với liên minh này.
Tuyên bố chung của NATO cũng cáo buộc Bắc Kinh đã "nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình" và "không rõ ràng trong việc tiến hành hiện đại hóa quân đội".
Tuyên bố chung "kêu gọi Trung Quốc duy trì các cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế, bao gồm các môi trường trên không gian, trên mạng và trên biển, phù hợp với vai trò cường quốc của mình".
Đồng thời, các lãnh đạo NATO nhấn mạnh sự hợp tác quân sự của Trung Quốc với Nga trong các cuộc tập trận ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương là một mối lo ngại.
Ông Biden đã kêu gọi các lãnh đạo thành viên khác của NATO cứng rắn với Trung Quốc, và đây là sự thay đổi trọng tâm đối với mục đích thành lập ban đầu của NATO là bảo vệ châu Âu trước Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh.
Tổng thống Biden đề cập đến cam kết phòng thủ tập thể của liên minh xuyên Đại Tây Dương là một "nghĩa vụ thiêng liêng" đối với Mỹ. Ông Boden khẳng định: "Tôi muốn tất cả châu Âu biết rằng Mỹ đang ở đó. NATO cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi".
Đây là thay đổi rõ rệt trong giọng điệu so với người tiền nhiệm Donald Trump, người đã đe dọa rút khỏi liên minh và cáo buộc người châu Âu đóng góp quá ít cho quốc phòng của họ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 14-6. Ảnh: AP
Có thể thấy thông cáo chung của NATO không nhiều khác biệt so với những rò rỉ nội dung cũng như dự đoán trước đó của giới quan sát.
Các thành viên NATO, nhất là ở châu Âu, vẫn ít nhiều thể hiện lập trường không xem Trung Quốc là kẻ thù hay đối thủ, như lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trước đó.
Ông Stoltenberg ngày 14-6 bác bỏ thông tin rằng các cường quốc phương Tây và Trung Quốc đang bước vào một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới". Tuy nhiên ông khẳng định Bắc Kinh không chia sẻ các giá trị của liên minh gồm 30 nước này.
"Trung Quốc đang theo sát chúng ta, không chỉ trên không gian mạng, ở châu Phi, mà họ còn đang đầu tư rất nhiều vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của chính chúng ta. Trung Quốc không phải là đối thủ, không phải là kẻ thù.
Thế nhưng, chúng ta cần cùng nhau giải quyết những thách thức an ninh xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc" - ông Stoltenberg phát biểu trước báo giới tại trụ sở NATO ở Bỉ, trước khi các nhà lãnh đạo bắt đầu tới dự hội nghị thượng đỉnh.
Một nguồn tin nói với đài CNN rằng trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 14-6, phần lớn các nhà lãnh đạo NATO ủng hộ quyết định của Tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan.
Các nhà lãnh đạo NATO đang thảo luận cách thức để duy trì an ninh ở Afghanistan, bao gồm sự hiện diện của các đại sứ quán, huấn luyện an ninh, nỗ lực chống khủng bố và viện trợ kinh tế.