Đài RT dẫn lời bà Smith cho biết nguyên nhân đến từ việc họ cung cấp vũ khí cho Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự từ ngày 24-2 năm nay.
Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đang thúc giục ngành công nghiệp quân sự phương Tây tăng cường sản xuất vũ khí để giải quyết tình trạng thiếu hụt.
Phát biểu tại một sự kiện do nhóm cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức, bà Smith lấy ví dụ Estonia, quốc gia đã viện trợ một lượng lớn vũ khí cho Ukraine và hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt.
Ống phóng 155 mm của Mỹ cung cấp cho Ukraine. Ảnh: Sputnik
NATO đã đề ra nhiệm vụ giải quyết vấn đề "suy giảm kho dự trữ trong toàn liên minh". EU cũng đưa ra sáng kiến riêng đối với ngành công nghiệp quân sự.
"Điều quan trọng là tìm ra mối liên kết để EU, NATO và Mỹ làm việc cùng nhau và không gây xung đột" - bà Smith nói.
Mỹ và các đồng minh viện trợ quân sự cho Ukraine từ năm 2014. Kể từ ngày 24-2, họ tăng cường cung cấp đạn dược, vũ khí hạng nhẹ và vũ khí hạng nặng - bao gồm xe tăng và pháo - cho Kiev.
Trong khi đó, Mỹ được cho là đang lên kế hoạch gửi "hệ thống phòng không tiên tiến nhất" cho Ukraine.
Quân đội Mỹ từng mô tả Patriot - bao gồm radar, trạm điều khiển, thiết bị tạo năng lượng và tối đa 8 bệ phóng - là "hệ thống phòng không tiên tiến nhất" của họ.
Giữa thời điểm Nga đẩy mạnh tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể thông báo triển khai Patriot tại Ukraine sớm nhất là vào tuần này, các quan chức Mỹ nói với báo The New York Times và đài CNN.
Tiểu đoàn Patriot đầu tiên của quân đội Mỹ được kích hoạt vào năm 1982 nhưng không được sử dụng trong chiến đấu cho đến năm 1991, trong chiến dịch "Bão táp sa mạc".