NATO sẽ điều thêm 700 binh sĩ gìn giữ hòa bình tới khu vực này, trong khi Nga cảnh báo chính NATO và phương Tây đang làm gia tăng nguy cơ bất ổn.
Chỉ 3,5% cử tri đi bỏ phiếu bầu cử, dẫn đến kết quả là 4 người Albania đã được bầu nắm quyền lãnh đạo các khu vực có đa số người Serbia sinh sống tại Kosovo.
Thực tế, người Serbia tại Kosovo đã tẩy chay cuộc bầu cử này, nhưng chính quyền Kosovo đã công nhận kết quả và bỏ qua tiếng nói của những người Serbia; sau đó dùng vũ lực để đưa những người Albania được bầu lên nắm quyền. Điều này đã khiến căng thẳng bùng phát tại Kosovo trong nhiều ngày nay.
Người Serbia tại Kosovo phản đối Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Kosovo (KFOR) tại thị trấn Zvecan, Kosovo ngày 29/5. Ảnh: Reuters
“Các cuộc biểu tình của người Serbia luôn diễn ra trong hòa bình cho đến khi ai đó kích động sự leo thang. Người Serbia là những người luôn tự bảo vệ mình. Họ bảo vệ nhà cửa, thành phố và lối sống của họ”.
“Chúng tôi muốn có một cuộc biểu tình ôn hòa yêu cầu loại bỏ những nhà lãnh đạo mới được đưa vào bằng vũ lực. Mặc dù họ có thể đã được bầu hợp pháp, nhưng chúng tôi không coi cuộc bầu cử của họ là hợp pháp. Chúng tôi đang hỏi cộng đồng quốc tế đang yêu cầu gì - để loại bỏ những người này ra khỏi vị trí lãnh đạo một cách yên bình”.
Tuy nhiên, cuộc biểu tình của người dân mang sắc tộc Serbia tại Kosovo đã biến thành bạo lực khi đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Kosovo cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO. Đến nay, 52 người biểu tình và 30 binh sĩ NATO bị thương trong các vụ đụng độ.
Trước diễn biến căng thẳng, chính phủ Serbia và chính quyền khu vực Kosovo đã cáo buộc nhau vì những căng thẳng hiện nay bên trong Kosovo. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và ra lệnh cho các đơn vị tiến sát biên giới Kosovo.
Trong khi đó, NATO ngay lập tức triển khai thêm lực lượng gìn giữ hòa bình tới tăng cường an ninh tại Kosovo. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Kosovo (KFOR) sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết, để duy trì môi trường an toàn và đảm bảo cho mọi công dân ở Kosovo. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động một cách vô tư phù hợp với nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc. Chúng tôi đã quyết định triển khai thêm 700 binh sĩ từ lực lượng dự bị tác chiến tới Tây Balkan và đặt thêm một tiểu đoàn lực lượng dự bị trong tình trạng sẵn sàng cao, để họ cũng có thể được triển khai nếu cần”.
Theo hãng tin Reuters, chiều 30/5 (theo giờ địa phương), 4 đoàn xe lớn của NATO đã tiến về các khu vực phía Bắc Kosovo - đây là những khu vực có đa số người Serbia sinh sống.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm qua (30/5) nhận định, chính lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo (KFOR) hành động không chuyên nghiệp là một trong những nguồn cơn để bạo lực xảy ra. Tình hình tại Kosovo hiện đã đạt đến “lằn ranh đỏ nghiêm trọng” và Nga kêu gọi các động thái nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn này, bao gồm việc phương Tây ngừng “tuyên truyền sai trái” làm kích động cộng đồng người Serbia.
Mỹ cùng các đồng minh cũng lên án chính quyền Kosovo sử dụng vũ lực để người Albania lãnh đạo các khu vực của người Serbia. Điều này có thể làm suy yếu các nỗ lực quốc tế giúp cải thiện quan hệ giữa Kosovo và chính phủ Serbia láng giềng. Mỹ đã thông báo đã đình chỉ Kosovo tham gia một cuộc tập trận nhằm trừng phạt vùng lãnh thổ này. Trong khi đó, EU kêu gọi các bên tại Kosovo kiềm chế và tiến hành đối thoại./.