NATO bất mãn ra mặt nhưng tại sao không dám "trục xuất" Thổ Nhĩ Kỳ?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hưởng lợi không nhỏ nhờ là thành viên của NATO và ngược lại, NATO cần Ankara làm cầu nối với thế giới Ả Rập và Hồi giáo.

Mối quan hệ tưởng chừng nguội lạnh

Dù cũng là một quốc gia thành viên nhưng mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói chung và với nhiều thành viên còn lại trong tổ chức nói riêng trong thời gian vừa qua không được tốt đẹp.

Giữa bối cảnh ấy, nhiều lời đồn thổi còn cho rằng TNK sẽ tiếp tục lạnh nhạt với NATO và đơn độc trong tổ chức này tới mức như không phải là thành viên của NATO nữa.

Có rất nhiều biểu hiện bề ngoài. Mỹ và TNK vừa trải qua cuộc khủng hoảng ngoại giao thuộc diện chưa từng thấy trong lịch sử mối quan hệ song phương hai nước.

Đến nay, mức độ căng thẳng và gay cấn đã giảm nhưng cuộc khủng hoảng chưa thể được coi là đã kết thúc.

Nhiều thành viên NATO ở châu Âu khúc mắc sâu sắc với TNK đến mức quan hệ song phương gần như băng giá. Tại cuộc tập trận chung vừa rồi, NATO vô tình coi TNK là "kẻ thù" khiến nước này quyết định không tham gia tập trận chung nữa, dù sau đó NATO đã chính thức xin lỗi.

Một số chính khách ở TNK còn cho rằng nước này đã bắt đầu quá trình rút khỏi NATO. Họ viện dẫn những động thái nói trên và nhấn mạnh là trong chính sách đối ngoại, TNK độc lập chứ không đồng hành cùng Liên minh châu Âu (EU), tự quyết chứ không tham vấn EU.

Bản tin thông báo Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi cuộc tập trận chung với NATO. Nguồn: RT

Biểu hiện rõ nhất là trong vấn đề Syria và người Kurd. Ở đó, TNK coi trọng sự hợp tác, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động với Nga và Iran chứ không phải với NATO. Lời nói và việc làm của TNK đúng là tạo ấn tượng nước này không còn gắn bó với NATO như trước.

Trong thực chất, TNK không thật sự nghĩ như đã nói và đã làm. Nước này cũng sẽ không rút khỏi NATO. Lý do rất đơn giản: NATO vẫn vô cùng quan trọng với TNK nên TNK không thể tính chuyện rút khỏi NATO và ngược lại, TNK đóng vai trò lớn trong NATO nên NATO sẽ không để cho họ ly khai.

Lợi thế chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ

Về địa lý, TNK ở giữa hai châu lục. Về chính trị, nước này ở nơi tiếp giáp giữa Phương Tây và thế giới Hồi giáo.

TNK là nước Hồi giáo duy nhất trong NATO. Về mặt chiến lược, NATO cần TNK để đối phó với những mối đe doạ an ninh từ phía thế giới Hồi giáo và thế giới Ả rập mà nhờ đó, NATO có lợi ích địa chính trị lâu dài.

Nếu không có sự hợp tác từ TNK, NATO không thể đẩy lùi được mối đe doạ an ninh từ những phần tử, tổ chức hay lực lượng Hồi giáo cực đoan hoặc khủng bố coi Phương Tây là kẻ thù.

Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria là ví dụ thời sự. Hay nói cách khác, TNK chiếm giữ vị trí không nước nào có thể thay thế được trong chiến lược của NATO.

NATO bất mãn ra mặt nhưng tại sao không dám trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 2.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik

 Vì thế, dẫu Mỹ và các thành viên khác của NATO có găng với TNK đến mấy trong quan hệ song phương thì NATO cũng sẽ không đẩy nước này ra xa và không để nước này ly khai.

Về phần mình, TNK luôn ý thức được giá trị của nước này trong NATO và tận dụng hết sức triệt để.

Chừng nào TNK còn là thành viên NATO thì chừng đó vị thế ấy mới còn có giá. Vì thế, TNK có làm mình làm mẩy như thế nào với NATO và các nước thành viên thì trong thâm tâm, nước này không khi nào có chủ ý xa lánh NATO, càng không có mục đích ly khai NATO.

NATO bất mãn ra mặt nhưng tại sao không dám trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 3.

 Đúng là trong thời gian qua, nước này liên minh, liên kết và hợp tác chặt chẽ với Nga và Iran thật, nhưng cũng chỉ nhằm chơi con bài đối trọng với EU.

Bởi vì như vậy, lợi ích thiết thực trước mắt cũng như chiến lược lâu dài ở khu vực Vùng Vịnh và Bắc Phi mới được bảo toàn đầy đủ và thực hiện tốt nhất.

TNK vẫn cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và sử dụng uy danh của NATO như con cáo mượn oai con hùm trong truyện ngụ ngôn để tự nâng thế và lực của mình ở khu vực và trong thế giới Hồi giáo.

NATO rất hữu ích cho TNK trong cuộc ganh đua với Ả rập Saudi và Iran để được công nhận là cường quốc khu vực và vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Cho nên TNK và NATO luôn trong tình trạng "giận thì còn giận nhưng thương thì vẫn phải thương".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại