Lộ vũ khí áp sát Nga
Thông tin về việc triển khai sở huy của NATO được ông Antoni Macierewicz cho biết hôm 6/7, trung tâm chỉ huy 4 tiểu đoàn của NATO được triển khai ở Ba Lan và 3 nước Baltic (Estonia, Latvia và Litva).
Các tiểu đoàn trên sẽ là những đơn vị có tổ chức đầy đủ, không chỉ có khả năng đối phó các mối đe dọa trên đất liền mà còn có thể chống lại những mối đe dọa trên không, cũng như sở hữu các hệ thống tình báo, ông Macierewicz cho biết.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ba Lan cho rằng việc NATO quyết định triển khai quân tại sườn phía Đông để đáp trả những "mối đe dọa hiện hữu" là bước đi đầu tiên trong kế hoạch gia tăng sự hiện diện của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này ở khu vực.
Được biết, ngay từ năm 2014, Ba Lan từng khẳng định muốn liên minh quân sự NATO điều động 2 lữ đoàn - mỗi lữ đoàn NATO gồm khoảng 3.000 - 5.000 quân trên lãnh thổ Ba Lan để đối phó với Nga.
Hệ thống phòng không Patriot
Tuy nhiên, NATO đã bác bỏ sự hiện diện thường trực của các lực lượng quân sự NATO theo yêu cầu trên, bởi nếu triển khai quân sẽ vi phạm thỏa thuận Nga - NATO ký năm 1997 về độ lớn của các lực lượng NATO có thể đóng quân trên lãnh thổ các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây mà Ba Lan là một thành viên.
Nhưng giữa hành động và lời nói của NATO đã mâu thuẫn với nhau. Theo đó, ngay trước khi các nước Baltic đề nghị triển khai lực lượng, một số lượng lớn thiết bị quân sự hạng nặng đã được Mỹ triển khai đến khu vực này.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, ngay từ đầu năm 2016, Lầu Năm Góc và NATO đã quyết định triến khai khoảng 100 phương tiện chiến đấu hạng nặng đến các nước Baltic, nhằm tăng cường khả năng "ngăn chặn sự gây hấn của Nga" trong khu vực.
Thiếu tướng John R. O'Connor cho biết khi ông giám sát việc vận chuyển thiết bị tại cảng Riga, Latvia: "Việc triển lô vũ khí này để thể hiện sự quyết tâm đối với Tổng thống Putin và Nga rằng với tư cách là một tập thể, chúng tôi có thể đến với nhau".
Các vũ khí bao gồm xe tăng M1A2, xe chiến đấu Bradley, xe Scout Humvee, một số khẩu đội phòng không Patriot cùng những thiết bị hỗ trợ, Tướng John R. O'Connor tiết lộ đồng thời cho biết thêm số vũ khí này sẽ ở lại "chừng nào còn cần thiết nhằm ngăn chặn sự gây hấn của Nga".
Nga có viện tới Iskander-M?
Trong những năm gần đây, trước mỗi động thái của NATO tại Baltic, Nga đều đưa kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đến Kaliningrad làm vũ khí răn đe, tuy nhiên tất cả mới chỉ dừng lại ở những kế hoạch.
Theo thông tin mới nhất được ông Mikhail Barabanov, thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) cho biết, việc Nga triển khai Iskander-M tại vùng Kaliningrad sẽ được thực hiện và hoàn thành trước khi kết thúc năm 2019.
Triển khai tên lửa Iskander-M là động thái mới nhất nhằm hiện thực hóa tuyên bố Nga sẽ đáp trả việc Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa tại Romania, và lá chắn tên lửa thứ hai sẽ được triển khai ở Ba Lan vào năm 2018.
Việc triển khai tên lửa Iskander của Moscow sẽ khiến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vốn đã căng thẳng, lại càng thêm bế tắc, đẩy các quốc gia thành viên NATO láng giềng với Nga là Ba Lan, Litva và Estonia vào "vùng nguy hiểm".
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander được Nga cho là có đủ sức xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ của Mỹ và phương Tây. Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân, và có tầm bắn 500 km. Như vậy, tên lửa này có thể bắn tới các mục tiêu xa xôi tại Đức, toàn bộ khu vực Baltic và Ba Lan.