Hành tinh thứ 9 có tồn tại?
Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ thì các nhà nghiên cứu sẽ vô cùng khó khăn để tìm ra hành tinh mới. Hành tinh này nặng gấp 10 lần Trái Đất, và cách xa Mặt trời gấp 20 lần so với khoảng cách từ sao Hải Vương đến Mặt trời.
Chưa có nhiều bằng chứng cụ thể để chứng minh sự tồn tại của hành tinh thứ chín, nhưng một số nhà khoa học lại rất chắc chắn về điều đó.
Ông Konstantin Batygin - một nhà thiên văn học hành tinh thuộc Học viện Công nghệ California (Caltech) và cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: "Hiện nay có 5 kết quả quan sát khác nhau chỉ ra sự tồn tại của hành tinh thứ chín.
Nếu bạn phủ nhận những giả thuyết về sự tồn tại của hành tinh thứ chín, bạn tạo ra nhiều vấn đề để giải quyết hơn bạn tưởng. Đột nhiên, bạn có 5 câu đố khác nhau, và phải viện đến 5 lý thuyết khác nhau để giải thích chúng. "
Trong một bài báo xuất bản năm 2016, nhà nghiên cứu Batygin và đồng tác giả là ông Mike Brown đã đề cập đến những hành vi lạ thường của 6 vật thể mới trong vành đai Kuiper.
Tất cả chúng đều có quỹ đạo hình elip hướng về cùng một hướng, và tất cả các quỹ đạo đều nghiêng theo cùng một cách. Cả hai đặc điểm này đều là đầu mối để chứng minh sự tồn tại của hành tinh thứ chín.
Theo đó, 6 vật thể ở xa nhất trong hệ Mặt trời có quỹ đạo vượt ra khỏi sao Hải Vương. Độ nghiêng và sự thẳng hàng mà chúng sở hữu chỉ có thể được duy trì nhờ những lực ở bên ngoài.
Các mô hình máy tính đã khẳng định sự tồn tại của hành tinh thứ chín cũng đưa ra giả thuyết: có một số vật thể khác trong hệ Mặt trời có độ nghiêng cực lớn. Và ông Brown thấy rằng trước đây các nhà thiên văn học đã tìm ra được 5 vật thể như vậy. Có nghĩa là thiên nhiên hoàn toàn phù hợp với dự đoán của họ!
Bằng chứng về sự hiện hữu
Sự hiện hữu của hành tinh mới sẽ giải thích cho hiện tượng: những hành tinh có quỹ đạo nằm trong hành tinh khác, nghiêng so với đường xích đạo của Mặt trời khoảng sáu độ.
Đó là vì theo thời gian, trọng lực ở xa của hành tinh thứ chín đã làm cho toàn bộ hệ Mặt trời chao đảo trong khu vực trung tâm. Kết quả, một số vật thể trong vành đai Kuiper có quỹ đạo ngược hẳn với phần còn lại trong hệ Mặt trời của chúng ta.
Nhà nghiên cứu Batygin giải thích: "Chưa từng có mô hình nào trước đây giải thích được hành vi kì lạ của những quỹ đạo có độ nghiêng lớn như thế này.
Hóa ra, hành tinh thứ chín đã tạo ra tất cả những sự khác biệt đó. Những vật thể này bị xê dịch ra khỏi mặt phẳng của hệ Mặt trời với sự trợ giúp của hành tinh thứ chín. Sau đó, chúng bị sao Hải Vương phân tán khắp nơi."
Dựa trên hành vi của những vật thể xa xôi, các nhà thiên văn đưa ra giả thuyết rằng hành tinh mới là một siêu Trái đất. Đó là một hành tinh bằng đá khổng lồ cực kỳ phổ biến trong vũ trụ. Nhưng một cách rất kì quặc - những hành tinh dạng này lại không hề tồn tại trong hệ Mặt trời của chúng ta.
Hành tinh mới có khả năng kết tập lại trong những vùng lạnh giá của hệ Mặt trời trong hàng triệu năm. Chúng hình thành gần Mặt trời và sau đó bị đẩy ra ngoài, hoặc thậm chí bị những hệ Mặt trời khác bắt giữ lại.
Hai nhà nghiên cứu Batygin và Brown đang sử dụng kính thiên văn Subaru tại Đài quan sát Mauna Kea ở Hawaii để tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm hành tinh thứ chín. Theo nhà nghiên cứu Batygin, hiện tại đây là chiếc kính thiên văn tốt nhất để tìm những vật thể mờ nhạt và xa xôi trong không gian rộng lớn của bầu trời.
Tuy nhiên, sự tồn tại của hành tinh thứ chín không phải là cách giải thích duy nhất cho sự lạ thường trong các hành vi của những vật thể. Một khảo sát gần đây về không gian bên ngoài hệ Mặt trời đã tìm thấy trên 800 thiên thể bên ngoài sao Hải Vương.
Sự phân bố ngẫu nhiên của những thiên thể này cũng có thể đã tác dụng lực đến các vật thể và tạo ra độ nghiêng như chúng ta đã quan sát được. Nhưng giả thuyết này không nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới khoa học.
Nguồn: Futurism