Nghiên cứu mới từ Đại học Bang Arizona (Mỹ) đã xoáy vào loạt ảnh kỳ thú mà Tàu quỹ đạo Do thám Sao Hỏa của NASA chụp được về cảnh tuyết tan để lại những dấu vết giống chân con mòng biển.
Hình ảnh băng tan chảy thành hình chân con mòng biển trên Sao Hỏa - Ảnh: NASA
Theo 2 tác giả chính Aditya Khuller và Philip Christensen, họ đã tìm thấy bằng chứng về "băng nước bụi" ở khu vực vĩ độ thấp này. "Băng trên Sao Hỏa tan chảy khi có bụi và ở vĩ độ thấp hơn, ấm hơn có thể có nước lỏng ổn định trong băng" - tiến sĩ Khuller nói.
Chất lỏng ổn định có nghĩa là nó sẽ không bị hóa rắn do thời tiết lạnh hay các tác động khác, đồng nghĩa với một môi trường phù hợp cho sự sống được duy trì lâu dài. Trong bức ảnh, "băng nước bụi" chính là những dải màu trắng sáng lộ ra khi tuyết tan.
HÌnh ảnh được làm sáng lên, với những khu vực trắng sáng chính là nơi có "băng nước bụi" - Ảnh: NASA/JPL/UNIVERSITY OF ARIZONA
Daily Mail trích dẫn lời các tác giả từ Đại học Bang Arizona rằng họ kỳ vọng đó chính là nơi sự sinh vật cổ đại còn sống sót trên Sao Hỏa ngày nay. Công trình mang giá trị định hướng lớn cho cuộc truy tìm sự sống đang diễn ra trên Sao Hỏa với sự tham gia của rất nhiều tàu vũ trụ từ Mỹ và châu Âu. Dù tin rằng hành tinh này có sự sống, nhưng NASA chỉ hy vọng tìm được các hóa thạch cổ đại bởi lẽ nhiều bằng chứng cho thấy sự sống nơi đây đã tuyệt chủng hàng tỉ năm trước.