Tên lửa đẩy Artemis mang theo tàu vũ trụ Orion được đặt trên bệ phóng Launch Pad 39B ở trung tâm vũ trụ Kennedy thuộc Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ) ngày 29/8/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo tuyên bố của NASA, thời gian tiến hành vụ phóng phụ thuộc vào việc đội ngũ kỹ sư thử cung cấp nhiên liệu thành công cho tên lửa Hệ thống phóng không gian, cũng như được phép không thử lại pin trên một hệ thống bay khẩn cấp, được sử dụng để phá hủy tên lửa nếu đi lạc khỏi phạm vi đã chỉ định.
Nếu đội ngũ kỹ sư không được phép bỏ qua việc thử lại pin, tên lửa sẽ phải đưa lại tòa nhà lắp ráp, khiến thời gian phóng thử bị đẩy lùi thêm vài tuần. Theo NASA, nếu không thể tiến hành vụ phóng như dự định vào ngày 27/9, cơ quan này sẽ thực hiện vụ phóng vào ngày 2/10.
Trước đó, ngày 3/9, NASA đã quyết định tạm hoãn phóng tàu Atermis 1 thuộc Chương trình thám hiểm Mặt Trăng (Artemis) sau khi kỹ thuật viên chưa thể khắc phục được lỗi rò rỉ nhiên liệu.
Artemis 1 là sứ mệnh đầu tiên trong chương trình Artemis. Sau gần 50 năm kể từ sau chuyến bay Apollo cuối cùng vào năm 1972, NASA mới khởi động chương trình nhằm đưa con người hạ cánh xuống Mặt Trăng ở khu vực chưa từng được khám phá trước đây.
Vụ phóng sắp tới cũng là chuyến bay đầu tiên của tên lửa SLS. Theo kế hoạch, siêu tên lửa của NASA sẽ phóng tàu Orion không phi hành đoàn lên quỹ đạo Mặt Trăng trong một chuyến bay thử nghiệm kéo dài 6 tuần kể từ lúc cất cánh cho đến khi hạ cánh. Mục tiêu chính của sứ mệnh là chứng minh cả 2 phương tiện đã sẵn sàng để bắt đầu đưa phi hành gia lên Mặt Trăng cũng như các điểm đến không gian sâu khác.
Chương trình thám hiểm Mặt Trăng mang tên Artemis được chia làm 3 giai đoạn. Sau nhiệm vụ Artemis 1 không phi hành đoàn, các phi hành gia sẽ thực hiện hành trình vào năm 2024 và 2025 trong nhiệm vụ Artemis 2 và Artemis 3. Nếu hai sứ mệnh Artemis đầu tiên thành công, NASA dự kiến sẽ bắt đầu đưa các phi hành gia hạ cánh trở lại Mặt Trăng, bao gồm cả người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng, sớm nhất là vào năm 2025.
NASA muốn xây dựng trạm vũ trụ Mặt Trăng, mang tên Gateway và duy trì sự hiện diện lâu dài trên Mặt Trăng để hiểu rõ về cách thức tồn tại trên không gian vũ trụ, trước khi thực hiện sứ mệnh lên Sao Hỏa vào những năm 2030.