Theo tờ Space, NASA chuẩn bị tung ra công cụ đặc biệt là PolSIR, một thiết bị đo phóng xạ được thiết kế để nghiên cứu những vật thể kỳ lạ hình thành trên tầng cao của bầu khí quyển, phía trên các đám mây mà chúng ta vẫn nhìn thấy.
Đó là những đám mây băng giá có hình như một chiếc đĩa bay hay một chiếc bánh khổng lồ, dẹp, vốn chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng đối với cuộc sống của chính chúng ta.
Những đám mây kỳ dị mang hình một chiếc đĩa bay băng giá là mục tiêu NASA chuẩn bị tiếp cận - Ảnh: NASA
Một cặp đôi PolSIR sẽ được gắn lên hai vệ tinh và phóng lên quỹ đạo thấp của Trái Đất , nơi chúng có tầm nhìn rõ ràng về những vật thể đang trôi nổi ngay phía bên trên bầu trời vùng nhiệt đối và cận nhiệt đới.
Cách chúng hình thành, thay đổi phản ánh những biến động đối với khí hậu toàn cầu, nhưng vị trí ẩn nấp phía trên các đám mây thường của chúng là một thử thách. Do đó, cần một cái gì đó tiếp cận từ trên cao.
"Nghiên cứu các đám mây băng là rất quan trọng để cải thiện dự báo khí hậu. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể nghiên cứu các đám mây băng ở mức độ chi tiết này" - Phó quản trị viên của Ban Giám đốc Sứ mệnh khoa học của NASA, cho biết.
Hai vệ tinh mang hai PolSIR sẽ là dạng vệ tinh cubesat hình khối lập phương. Cặp đôi này sẽ quay quanh quỹ đạo cách nhau từ 3-9 giờ, cho phép liên tục thu thập dữ liệu từ các "đĩa bay băng" kỳ lạ này.
PolSIR là một phần của chuỗi nhiệm vụ lớn hơn mang tên Earth Venture nhằm khám phá Trái Đất và cải thiện khả năng dự đoán các thay đổi trong tương lai của hành tinh.