Sao Kim là hành tinh gần sao chủ thứ 2 trong Hệ Mặt trời. Nhưng dù chỉ là số 2, nhiệt độ trên hành tinh này vẫn là lớn bậc nhất, vượt cả hành tinh gần Mặt trời nhất là sao Thủy.
Nguyên do là vì sao Kim có một bầu khí quyển dày đặc, và lớp khí này có "vai trò" giữ nhiệt, khiến cả hành tinh giống như một cái lò lửa vậy. Nhiệt độ trung bình tại đây lên tới 482 độ C.
Áp suất của bầu khí quyển đó gấp 90 lần áp Trái đất, đủ sức bóp nát cả những chiếc xe bọc thép.
Ngoài ra, bầu khí quyển của sao Kim gần như chỉ chứa CO2 và SO2 - tạo thành những đám mây acid có nồng độ cực mạnh. Tóm lại, phải nói rằng sao Kim là hành tinh khắc nghiệt bậc nhất hệ Mặt trời này.
Môi trường trên sao Kim là cực kỳ khủng khiếp
Vậy mà theo một nghiên cứu của NASA, chính đám mây khủng khiếp ấy có thể đang chứa đựng sự sống ngoài hành tinh. Cụ thể, các chuyên gia tin rằng đám mây giàu lưu huỳnh dioxide tại sao Kim có thể đang nuôi dưỡng sự sống dưới dạng vi khuẩn.
Họ sử dụng tàu thăm dò và thu thập được những đốm tối siêu nhỏ trên bề mặt hành tinh. Đó có thể là các dấu hiệu cho thấy những vi khuẩn có tồn tại và hấp thụ ánh sáng, giống như tại Trái đất.
Những mảng tối bí ẩn ấy giống như một dạng tảo vũ trụ vậy, tương tự như việc tảo bùng nổ trên ao hồ.
Được biết, bầu khí quyển của sao Kim có chứa acid sulfuric đậm đặc, có thể phản lại 75% ánh sáng chiếu vào.
Điều này khiến cho bề mặt hành tinh trở nên mờ mịt, không thể quan sát được. Vậy nên, việc tồn tại các đốm tối chứng tỏ rằng có một thứ gì đó đang tồn tại giữa bầu khí quyển khủng khiếp ấy.
Các nhà khoa học tìm thấy một số mảng tối trên bề mặt sao Kim
"Trên Trái đất, chúng ta đã biết rằng sự sống có thể xuất hiện ở môi trường axit khắc nghiệt, sinh tồn bằng CO2, và thậm chí sản sinh ra acid sulfuric" - đồng tác giả nghiên cứu từ ĐH Bách khoa Bang California (Pomona, Mỹ) cho biết.
Khoa học đã xác định được rằng sao Kim trước kia từng có môi trường hoàn hảo để nuôi dưỡng sự sống. Nhưng đó là chuyện của 2 tỉ năm trước. Ở thời điểm hiện tại, việc có tồn tại sự sống ở đây vẫn là điều cực kỳ bất ngờ với họ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astrobiology.
Tham khảo: Daily Mail, NASA.gov