Tin tức vũ trụ mới nhất cho hay, kính viễn vọng không gian Hubble (HST) của NASA vừa phát hiện một hố đen (lỗ đen) kỳ lạ nhất cho đến nay, khiến giới khoa học hoàn toàn bất ngờ.
Theo đó, Hubble phát hiện một hố đen thuộc thiên hà NGC 3147, cách Trái Đất 130 triệu năm ánh sáng có "biểu hiện" kỳ lạ: Một đĩa vật chất (đĩa bồi tụ) mỏng đang bao quanh một hố đen nhỏ và "háu đói".
Vậy tại sao hố đen này lại khiến giới khoa học bất ngờ?
Thông thường, các đĩa bồi tụ được tạo thành từ khí, bụi và các mảnh vụn khác, chúng bị hút vào chuyển động xung quanh quỹ đạo của các hố đen trong vũ trụ thường được kính viễn vọng tìm thấy trong các thiên hà hoạt động mạnh hơn với các hố đen lớn hơn.
Và khi càng có nhiều vật chất bị hút lại bởi một hố đen thì đĩa bồi tụ xuất hiện càng sáng và càng nhiều năng lượng, giúp chúng dễ dàng bị các "thợ săn" của NASA phát hiện hơn.
Tuy nhiên, đĩa bồi tụ phát ra từ hố đen của thiên hà xoắn ốc NGC 3147 lại hoàn toàn đi ngược với xu hướng trên. Bởi, hố đen thuộc NGC 3147 là một hố đen trẻ, tương đối mờ nhạt, nhưng nó lại có đĩa bồi tụ sáng bất thường.
Hình ảnh xây dựng về đĩa bồi tụ sáng bất thường quanh hố đen thuộc thiên hà xoắn ốc NGC 3147. Nguồn: Sciencealert
Giải thích điều này, nhà thiên văn học và tác giả đầu tiên của nghiên cứu - ông Stefano Bianchi, từ Đại học Roma Tre (Italia) cho biết: "Loại đĩa bồi tụ mà chúng ta thấy là một quasar (chuẩn tinh) thu nhỏ mà chúng ta không mong nó tồn tại. Nhờ lượng vật chất đậm đặc mà chúng có thể phát sáng gấp 1000, thậm chí 100.000 lần."
Bên cạnh việc tạo ra quầng sáng bất thường xung quanh hố đen thuộc thiên hà NGC 3147, đĩa bồi tụ này có rất gần với trường hấp dẫn của hố đen, gần đến nỗi ánh sáng của nó cũng bị bẻ cong và mạnh hớn, khiến nó "háu đói" và "nuốt" vật chất mạnh mẽ trên đường đi của nó.
"Quan sát được hố đen thuộc thiên hà NGC 3147 cung cấp cho giới khoa học cái nhìn hấp dẫn về đĩa bồi tụ của hố đen, gần đến mức vận tốc và cường độ của lực hấp dẫn đang ảnh hưởng đến cách chúng ta quan sát thấy các photon ánh sáng." - Tác giả công trình Stefano Bianchi cho biết.
Điều này đồng nghĩa với việc hố đen này mang đến cho các nhà thiên văn học cơ hội hiếm có để đưa các lý thuyết tương đối do Albert Einstein đề xuất vào thử nghiệm. Ánh sáng nhìn thấy được từ đĩa bồi tụ của hố đen NGC 3147 có thể giúp phân tích cả thuyết tương đối rộng và thuyết tương đối đặc biệt - cụ thể là phân tích được cách không gian-thời gian-ánh sáng-trọng lực khớp với nhau.
"Những gì chúng tôi thấy là một điều hoàn toàn bất ngờ. Chúng tôi nghĩ rằng đây là ứng cử viên tốt nhất để xác nhận rằng dưới độ sáng nhất định, đĩa bồi tụ không còn tồn tại nữa", nhà thiên văn học Ari Laor , từ Viện Công nghệ Technion-Israel nói.
Phát hiện này cho thấy, kể từ khi Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT) công bố bức ảnh đầu tiên chứng minh rõ ràng sự tồn tại của hố đen ngày 10/4/2019 - vật thể được mệnh danh là "Quái vật vũ trụ", chứng minh dự đoán trăm năm của Einstein là đúng - thì cho đến nay, hố đen vẫn tiếp tục gây ra nhiều bất ngờ cho giới khoa học.
Ảnh chụp đầu tiên về hố đen siêu khối lượng ở trung tâm của thiên hà M87 được công bố ngày 10/04/2019. Có thể thấy một vành sáng da cam tạo ra bởi sự uốn cong của các tia sáng dưới trường hấp dẫn mạnh xung quanh hố đen có khối lượng gấp 6,5 tỷ lần khối lượng Mặt Trời. Nguồn: EHT
Bí ẩn của vật thể vũ trụ khổng lồ, có sức hủy diệt khủng khiếp này ngày càng hấp dẫn giới thiên văn học thế giới.
Sau hơn 1 thế kỷ, các nhà khoa học mới có trong tay bằng chứng xác thực nhất về sự tồn tại của hố đen - vật thể vũ trụ bí ẩn, khổng lồ mà Einstein từng nhắc đến trong Thuyết Tương đối, bởi thế, chưa bao giờ hành trình khám phá hố đen lại hấp dẫn tâm trí của các nhà khoa học hiện đại đến vậy.
Sheperd Doeleman, Giám đốc dự án Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT) khẳng định, các dự án EHT về sau sẽ cung cấp cho nhân loại những bức ảnh hố đen rõ nét hơn nữa. Đặc biệt, ngay trong Dải Ngân Hà của chúng ta cũng có hố đen (siêu hố đen Sagittarius A), và việc nghiên cứu "quái vật không gian" này là tham vọng dễ hiểu của giới thiên văn.
Nghiên cứu đã được công bố trong Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh (RAS).
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.