NASA phát hiện vị trí tàu đổ bộ của Ấn Độ va chạm với Mặt Trăng

Nguyễn Hằng |

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo, một vệ tinh quay theo quỹ đạo Mặt Trăng đã phát hiện tàu đổ bộ Vikram của Ấn Độ rơi trên bề mặt vệ tinh này hồi tháng 9 vừa qua.

Trong một thông báo ngày 2/12, NASA đã công bố ảnh do tàu thăm dò Mặt Trăng Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) của cơ quan này chụp được hôm 17/9 vừa qua. Bức ảnh cho thấy vị trí va chạm của tàu đổ bộ của Ấn Độ với Mặt Trăng ngày 6/9 (theo giờ New Delhi) cùng với khu vực gồm gần 20 vị trí rải rác các mảnh vỡ trải dài vài km.

Tháng 7 vừa qua, Ấn Độ đã phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-2 lên quỹ đạo Mặt Trăng. Chương trình thám hiểm không gian này được kỳ vọng có thể giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 sau Nga, Mỹ và Trung Quốc thực hiện thành công việc hạ cánh xuống Mặt Trăng và lần đầu tiên đổ bộ lên cực Nam của vệ tinh này.

Tàu đổ bộ Vikram mang theo thiết bị Pragyan đã tách khỏi Chandrayaan-2 để hạ cánh xuống khu vực cách cực Nam Mặt Trăng khoảng 100 km. Theo Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO), đây là điểm xa nhất của Mặt Trăng chưa có tàu nào tiếp cận được.

Tàu Vikram lẽ ra mất 5 ngày để đáp xuống Mặt Trăng, tuy nhiên, ISRO đã mất liên lạc với con tàu này khi Vikram chỉ còn cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 2 km. 

Vài ngày sau vụ hạ cánh thất bại, ISRO thông báo đã xác định được vị trí của Vikram, nhưng vẫn chưa thể kết nối được với tàu đổ bộ này.

Ấn Độ đã đặt mục tiêu lập bản đồ bề mặt và nghiên cứu bầu khí quyển Mặt Trăng cũng như các nghiên cứu khác về bề mặt và dưới mặt đất của Mặt Trăng trong lần phóng lần này.

ISRO cho biết thông qua việc phóng tàu Chandrayaan-2, Ấn Độ muốn phát triển và trình diễn công nghệ một cách toàn diện từ đầu đến cuối trong nhiệm vụ Mặt Trăng, bao gồm cả việc hạ cánh mềm và di chuyển trên bề mặt Mặt Trăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại