Theo thông tin trên trang Space, NASA lần đầu tiên xem xét khả năng tồn tại môi trường sống của nấm vào năm 2018. Đến nay các nhà khoa học đang làm thử nghiệm để xác định nấm sợi có thể phát triển tốt ra sao trong môi trường đất tại Sao Hỏa.
Nếu nghiên cứu được thực hiện theo đúng như kế hoạch, các phi hành gia trong tương lai có thể tự mình xây chỗ ở mà không cần phải mang theo vật liệu xây dựng nặng nề và đắt tiền từ Trái Đất. Bên cạnh đó, điều này có thể khiến quá trình "xâm chiếm" Mặt Trăng và Sao Hỏa trở nên dễ dàng và ít chi phí hơn.
Theo NASA, những cây nấm sống sẽ được đưa đến căn cứ Mặt Trăng, được tưới nước cũng như cung cấp các điều kiện thích hợp để kích hoạt sự phát triển.
Việc làm này đòi hỏi nguồn cung cấp vi khuẩn quang hợp, đem lại cho nấm các chất dinh dưỡng cần thiết. Một khi nấm đạt kết cấu hình dạng mong muốn, nó sẽ được xử lý nhiệt để dừng quá trình phát triển lại và trở một viên gạch.
Các nhà khoa học liệt kê những lợi thế của việc sử dụng nấm trong việc xây dựng cấu trúc, đó là nấm có khả năng tự phát triển và sửa chữa; nó là chất chống cháy và chất cách điện tốt. Bên cạnh đó, nấm có cường độ uốn cao hơn bê tông cốt thép nên sẽ rất tốt cho việc đúc thành các khối chắc chắn.
"Ngay lúc này, chúng tôi - các nhà thiết kế môi trường sống truyền thống cho người Sao Hỏa giống như một con rùa, đang phải cõng ngôi nhà trên lưng. Đây là một kế hoạch có tính thực tế, tuy nhiên sẽ tốn nhiều công sức", Lynn Rothschild - nhà nghiên cứu chính của dự án này cho biết.
"Thay vào đó, chúng ta có thể khai thác sợi nấm để phát triển chúng trong môi trường Sao Hỏa khi ta đặt chân lên đó", Lynn nói thêm.
Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu cách sử dụng sợi nấm trong việc bảo vệ các phi hành gia khỏi bức xạ và thậm chí cung cấp oxy bên trong các căn cứ được xây dựng bằng nấm.