Đội điều khiển Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) đã giương thành công tấm chắn mặt trời khổng lồ, thiết bị tối quan trọng giữ cho kính viễn vọng ở nhiệt độ thấp nhất có thể trong suốt khoảng thời gian vận hành. Thành tựu mới khép lại một trong những sứ mệnh công phu nhất lịch sử ngành kỹ thuật, cho phép kính James Webb không biến thành phế thải vũ trụ tốn kém nhất con người từng chế tạo.
“Đây quả thực là giây phút trọng đại”, Bill Ochs, giám đốc dự án JSWT cho hay. “Tôi muốn chúc mừng cả đội. Vẫn còn rất nhiều việc trước mắt nhưng việc giương được tấm chắn mặt trời là rất, rất quan trọng”.
Kính viễn vọng Không gian James Webb hồi còn ở Trái Đất, hồi năm ngoái.
Kính viễn vọng Không gian James Webb lên không vào ngày 25/12 vừa rồi, đánh dấu mốc thành công cho chặng đường 25 năm lên kế hoạch, lắp ráp và hoàn thiện dự án. JSWT được ví von với một “cỗ máy thời gian”, cho phép khoa học nhìn thấu thời điểm hàng tỷ năm trước, gần chính xác là vài trăm triệu năm sự kiện Big Bang, khi các hệ sao manh nha hình thành. Bởi ánh sáng phát ra từ những thiên thể này đã bay rất xa kể từ thời điểm chúng xuất hiện, chúng ta cần một thiết bị có thể với tới chúng để nghiên cứu.
Để khám phá chương đầu của cuốn sách Vũ trụ, JWST phải trải qua giai đoạn “mở cánh” nhiều rủi ro. Kích cỡ kính JWST khi mở bung ra quá lớn, NASA đã phải gấp gọn nó như một tác phẩm nghệ thuật origami và đặt nó vừa vặn trong khoang chứa của tên lửa Ariane 5.
Khi lên không thành công, lần lượt hệ thống tên lửa đẩy, khoang chứa sẽ lần lượt tách ra. Khi kính JWST rời khoang, nó sẽ bay tới điểm định trước và tại đây, nhóm kỹ sư mặt đất tiến thành hoạt động tháo dỡ, đưa kính vào trạng thái nguyên bản.
Một trong những bộ phận quan trọng của JWST là tấm chắn mặt trời. JSWT chuyên nghiên cứu ánh sáng hồng ngoại, một loại tia sáng vô hình có liên hệ trực tiếp với nhiệt. Để tránh bị nhiệt từ Mặt Trời cũng như Trái Đất ảnh hưởng tới quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phải phủ rèm cho kính viễn vọng, đặt toàn bộ thiết bị trong điều kiện nhiệt độ -223 độ C.
Khi bung ra, tấm chắn mặt trời sẽ có kích cỡ ngang ngửa sân tennis.
Sau hơn một tuần, tấm chắn mặt trời mới hoàn tất quá trình “bung lụa”, nhiều hơn thời gian dự kiến do NASA nghỉ ngơi dịp năm mới và phân tích các dữ liệu do tàu vũ trụ chở kính gửi về. Bên cạnh đó, một vài vấn đề liên quan tới đo đạc nhiệt độ và các thiết bị khác khiến quá trình “giương buồm” gặp trục trặc.
“Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn ‘tìm hiểu’ nàng kính viễn vọng”, ông Ochs nói trong buổi họp báo diễn ra cách đây không lâu. “Vệ tinh bay trên quỹ đạo luôn vận hành khác chút khi trên không, so với khi chúng còn ở trên mặt đất”.
Vấn đề đầu tiên nằm tại dàn pin năng lượng mặt trời của JWST, thiết bị hấp thu ánh sáng từ ngôi sao trung tâm Hệ Mặt Trời để kính vận hành. Các cài đặt ban đầu của nhà sản xuất khiến lượng năng lượng đầu ra thấp hơn dự kiến, nhưng Northrop Grumman, công ty chịu trách nhiệm phát triển và sản xuất kính viễn vọng James Webb, đã tinh chỉnh lại thiết bị sao cho nó hoạt động hiệu quả trong môi trường ngoài Trái Đất. Ở thời điểm hiện tại, JWST đã nhận đủ năng lượng cần thiết.
Họa sĩ mô tả kính JWST trong không gian.
Một số vấn đề khác liên quan tới mô-tơ kéo căng tấm chắn mặt trời cũng đã được khắc phục. Khi chúng quá nhiệt, các chuyên gia chỉnh kính đã quay thiết bị để nó tránh ánh nắng Mặt Trời. Hiện mô-tơ đã hoàn thành phần việc của mình.
Kiếp nạn chưa kết thúc, Kính viễn vọng Không gian James Webb vẫn phải trải qua quá trình mở kính nhiều rủi ro. Dự kiến các thao tác mở kính sẽ hoàn thành trong vòng một tuần, và giống như mọi quá trình liên quan trước đây, các bước mở kính không được gặp sai sót.
Ngày JWST đi vào vận hành cũng sẽ là ngày cỗ máy thời gian mở mang tầm mắt cho nhân loại. Chúng ta chỉ có thể chờ đợi và mong nó thành công.