Nhiều thập kỷ đã qua, hành trình đi tìm sự sống ngoài Trái Đất để trả lời cho câu hỏi "Loài người không cô đơn trong vũ trụ?" vẫn chưa một phút khiến các nhà khoa học nản chí.
NASA, cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới, nhận thấy đã đến lúc họ định hình lại sứ mệnh thế kỷ này bằng việc dồn công sức và tiền của vào nhiệm vụ thu nhận và giải mã tín hiệu công nghệ mà rất có thể người ngoài hành tinh đã cố gửi đến Trái Đất nhiều năm qua.
Đó là lý do NASA tổ chức một hội nghị kỹ thuật diễn ra trong 3 ngày, từ 26 đến 28/9/2018, có tên NASA Technosignatures Workshop (NTW18) tại thành phố Houston, bang Texas. Thông qua hội nghị này, NASA muốn các nhà khoa học đánh giá lại hiện trạng công nghệ tìm kiếm tín hiệu ngoài Trái Đất; cũng như những khả năng hứa hẹn nhất mà loài người có thể đạt được trong hành trình này là gì.
"Chúng ta cần phải tiếp tục sứ mệnh săn tìm người ngoài hành tinh!" - Đó là khẳng định của Thomas Zurbuchen, Phó giám đốc ban Sứ mệnh khoa học của NASA, trước toàn thể các thượng nghị sĩ Mỹ hồi tháng 8 vừa qua.
""Loài người không cô đơn trong vũ trụ?" là câu hỏi lớn nhất mọi thời đại trong lịch sử nhân loại. Bởi thế, để trả lời câu hỏi này chúng ta cần có sự hợp lực của tất cả các quốc gia. Khó khăn hiển nhiên luôn tồn tại. Thế nhưng, hãy nghĩ lại khoảng thời gian trước khi chúng ta đặt chân lên Mặt Trăng: Khi chúng ta dốc sức tiến lên thì đó cũng là lúc công nghệ đạt được những đỉnh cao tiên phong.", Ellen Stofan, Giám đốc Bảo tàng Hàng không và Không gian Smithsonian (Mỹ) tin tưởng.
Chưa bao giờ quyết tâm giải quyết câu hỏi lớn nhất mọi thời đại lại được NASA dốc sức như thế.
Dưới đây là những nét chính trong Hội thảo Kỹ thuật săn tìm người ngoài hành tinh của NASA:
Nhiều năm qua, dựa trên những dữ liệu khổng lồ mà chúng ta thu được về các ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời) cũng như kết quả của hành trình kiếm tìm sự sống ngoài Trái Đất trong hàng thập kỷ đã thôi thúc NASA định hình lại con đường mới thực sự nghiêm túc nhằm trả lời cho câu hỏi loài người có cô đơn trong vũ trụ.
Chúng ta không bó hẹp sứ mệnh ở việc kiếm tìm các dạng sống đơn giản ngoài Trái Đất nữa, bây giờ là lúc chúng ta phải tìm kiếm người ngoài hành tinh thông qua những tín hiệu công nghệ mà rất có thể họ đã cố gửi đến chúng ta bao năm qua.
Ảnh minh họa.
Technosignatures (Kỹ thuật tín hiệu) là những tín hiệu, dấu hiệu mà nếu quan sát và giải mã được, chúng sẽ cho phép chúng ta suy luận về sự tồn tại của công nghệ tiên tiến ở những nơi khác trong vũ trụ.
Kỹ thuật tín hiệu mà chúng ta biết rõ nhất chính là những chớp sóng vô tuyến (FRBs). Nhưng, chúng tôi tin rằng, ngoài vũ trụ rộng lớn kia còn vô số những tín hiệu khác mà chúng ta chưa giải mã được.
Bởi vậy, thông qua hội thảo này, chúng tôi đưa ra 4 mục tiêu chính:
- Mục tiêu 1: Đánh giá hiện trạng của các Technosignatures, từ đó chỉ ra những hạn chế mà chúng ta mắc phải trong lĩnh vực giải mã các tín hiệu này.
- Mục tiêu 2: Chúng ta có gì? Những thiết bị nào có thể đáp ứng được yêu cầu kiếm tìm Technosignatures? Những dự án cũng như đầu tư nào sẽ có để thúc đẩy công nghệ Trái Đất tương xứng với công nghệ ngoài vũ trụ?
- Mục tiêu 3: Nắm rõ những tiềm năng to lớn nào đến từ Technosignatures: Chúng ta phải xây dựng được những cuộc khảo sát mới, những công cụ, thuật toán khai thác dữ liệu mới cũng như mô hình mới... để hiểu được thông điệp mà người ngoài hành tinh muốn truyền tải.
- Mục tiêu 4: Các tổ chức tư nhân và tổ chức từ thiện có đóng vai trò "cánh tay đắc lực" cho NASA trong hành hình thu nhận và giải mã Technosignatures? Chúng ta phải vạch rõ.
Có thể nói, NASA là người tiên phong trong hành trình săn tìm sự sống ngoài Trái Đất. Nhờ những kết quả tuyệt vời của tàu không gian Kepler (phóng năm 2009) ví như "con mắt của NASA" mà nó đã cho chúng ta biết thêm và các hành tinh kiểu Trái Đất quay quanh ngôi sao chủ của chúng.
Năm 1961, nhà thiên văn học người Mỹ Frank Drake đã tạo ra một công thức ước tính số lượng các nền văn minh thông minh tiềm năng trong thiên hà, được gọi là phương trình Drake, và tính toán câu trả lời là 10.000.
Một suy đoán nổi tiếng khác là nghịch lý Fermi, do nhà vật lý người Ý Enrico Fermi đưa ra, khẳng định rằng nếu một dạng sống thông minh khác thực sự xuất hiện, chúng ta hãy chuẩn bị "đón tiếp".
Năm 1971, theo đề xuất của nhà nghiên cứu y sinh John Billingham tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, NASA thành lập Viện SETI chuyên tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất (tên cụ thể: Chương trình Tìm kiếm Sinh vật thông minh Ngoài hành tinh - Search for Extraterrestrial Intelligence-SETI).
Năm 2015, việc Kepler nhận thấy những biến động bất thường trong độ sáng của ngôi sao KIC 8462852 (Tabby's Star) thuộc chòm sao Thiên Nga, cách Trái Đất 1.470 năm ánh sáng đã dẫn đến những suy đoán về sự tồn tại của một quần thể kiến trúc khổng lồ ngoài hành tinh.
Ngôi sao KIC 8462852 (Tabby's Star) phát ra những ánh sáng khác thường dẫn đến những suy đoán về sự tồn tại của một quần thể kiến trúc khổng lồ ngoài hành tinh. Ảnh: Internet.
Tiếp nối sứ mệnh của Kepler, các thế hệ Kính thiên văn không gian James Webb và Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh TESS mà NASA phóng đi hứa hẹn sẽ có những phát hiện mới.
Giới khoa học NASA khẳng định, chúng ta cần thu được nhiều tín hiệu khác nhau hơn nữa mới có thể khẳng định có hay không sự tồn tại của người ngoài hành tinh.
Vì thế, sứ mệnh tiếp theo của NASA đó là nỗ lực hơn nữa trong việc thu nhận và giải mã tín hiệu hướng về Trái Đất. NASA sẽ khám phá Hệ Mặt Trời và xa hơn nữa để trả lời cho những nghi vấn bấy lâu về sự tồn tại của người ngoài hành tinh.
"Từ việc nghiên cứu nước trên sao Hỏa, tìm kiếm "thế giới địa dương" đầy hứa hẹn tại các mặt trăng Europa hay Enceladus hay truy tìm dấu vết sinh học trong khí quyển của các ngoại hành tinh, NASA sẽ đẩy mạnh hơn nữa mục tiêu phân tích các tín hiệu năng lượng mạnh bên ngoài vũ trụ... Câu trả lời hãy chờ ở phía trước." - NASA kết luận.
Liên quan đến việc triển khai sứ mệnh mới, hiện NASA đang chờ đợi Quốc hội và Thượng viện Mỹ thông qua khoản ngân sách có thể lên đến 10 triệu USD sau khi Hạ viện Mỹ đệ trình lên.
Nếu khoản đầu tư khổng lồ này được thông qua, NASA sẽ có thêm chi phí để phát triển các công nghệ không gian nhằm phục vụ cho nhiệm vụ mới.
Bài viết sử dụng các nguồn: Space.com, Foxnews, Hou.usra.edu