NASA đưa tàu đổ bộ sao Hỏa: Sự muộn màng kéo dài tận 3,5 tỷ năm

Trang Ly |

Có phải sao Hỏa đã chờ đợi chúng ta quá lâu?

Ảnh: NASA

Ảnh: NASA

Có rất nhiều lý do để ăn mừng khi chiếc Perseverance Rover của NASA đổ bộ thành công xuống hố va chạm Jezero của sao Hỏa vào 3:55 chiều EST (Giờ miền Đông) ngày 18/2/2021. Nhưng theo một số cách, TIME bình luận, chiếc rover đã xuất hiện quá muộn - muộn đến 3,5 tỷ năm.

Cách đây rất lâu, trong một kỷ nguyên trước đó, như các nghiên cứu về sao Hỏa đã chỉ ra, miệng hố va chạm Jezero từng là Hồ Jezero, một vùng trũng rộng 45 km ở bán cầu bắc sao Hỏa, được cung cấp nước qua một con kênh cắt qua vành miệng hố va chạm và lan rộng xuống hồ ở một vùng châu thổ. Ở đó có bầu không khí, có hơi ấm, có nhiều nước — và, với tất cả những gì từng hiện hữu, ở đó có thể đã có sự sống, Tạp chí TIME phân tích.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, sao Hỏa đã mất từ ​​trường và do đó 99% bầu khí quyển và gần như toàn bộ nước của nó cũng tan biến, khiến hành tinh này trở thành sa mạc lạnh giá như ngày nay. Nhưng nếu sự sống ban đầu đó từng hiện diện, thì nó vẫn có thể tồn tại cho đến ngày nay - dưới dạng các tàn tích hóa thạch và vật chất hữu cơ trong phù sa cổ của hồ khô.

NASA đưa tàu đổ bộ sao Hỏa: Sự muộn màng kéo dài tận 3,5 tỷ năm - Ảnh 1.

Miệng hố va chạm Jezero từng là hồ trong quá khứ - Đây là địa điểm mà Perseverance vừa đổ bộ lên sao Hỏa. Ảnh: NASA

Chính vì lý do đó mà NASA đã chọn Jezero cho sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa đầy tham vọng nhất cho đến nay - và vì lý do đó mà các quan chức và hàng nghìn nhà khoa học/kỹ sư NASA đã ăn mừng sự kiện đáng nhớ này.

Sau khi Perseverance Rover hạ cánh thành công, kỹ sư hệ thống của NASA, Rob Manning, từ Phòng Điều khiển sứ mệnh tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực ở Pasadena, vui mừng nói trên NASA TV: "Cả đội và Perseverance Rover đã luôn kề vai sát cánh. Dù ở khoảng cách xa hàng trăm triệu km. Thành công ngoài sức tưởng tượng này giống như một điều siêu thực".

Khách quan ghi nhận, thành công đó đến từ sự nỗ lực bền bỉ trong hàng thập kỷ của hàng ngàn nhà khoa học NASA. Vượt qua hành trình dài gần 7 tháng bay trong không gian, tàu vũ trụ chở Perseverance Rover đã làm tròn sứ mệnh đưa nó đến bầu khí quyển của Hành tinh Đỏ. Sau đó là "7 phút kinh hoàng" mà Perseverance Rover phải tự mình xoay sở và chạm nhẹ nhàng xuống bề mặt của Jezero.

Chiếc rover nặng hơn một tấn, có kích thước bằng một chiếc ô tô nhỏ gọn và được bảo vệ bằng tấm chắn nhiệt, lao vào bầu khí quyển của sao Hỏa với tốc độ 19.500 km/giờ. Trong vòng một phút, ma sát do bầu khí quyển đó gây ra đã làm cho nhiệt độ trên tấm chắn nhiệt tăng lên đến 1.300ºC.

Tuy nhiên, tất cả lực cản đó hoạt động như một lực hãm mạnh mẽ, và ba phút sau khi làm nóng đỉnh điểm, tốc độ của con tàu giảm xuống còn 1.609 km/giờ, đủ chậm để tháo tấm chắn nhiệt và triển khai một chiếc dù. Hai phút sau, khi tàu vũ trụ cách mặt đất 2 km, chiếc dù bung ra và Perseverance tiếp tục rơi xuống.

Ở khoảng cách cách mặt đất 21 mét, một thiết bị bay kết nối với Perseverance bằng hệ thống dây cáp nhẹ nhàng đưa Perseverance xuống mặt đất. Ngay khi máy tính trên bo mạch cảm nhận được rằng Perseverance đang ở trên bề mặt, các dây cáp tự động cắt đứt, đưa Perseverance bước vào giai đoạn kích hoạt động cơ của nó.

Tất cả các bước thâm nhập và đổ bộ sao Hỏa, kéo dài trong 7 phút đó, đều được tàu vũ trụ và Perseverance tự động xoay sở mà không hề có sự điều khiển của con người từ xa. Bởi, khoảng cách của sao Hỏa so với Trái Đất - là 202 triệu km - có nghĩa là việc truyền sóng vô tuyến từ tàu vũ trụ mất hơn 11 phút để đến được với chúng ta.

Nói cách khác, nếu Perseverance thực hiện hoàn hảo mọi phần trong 7 phút thâm nhập và hạ cánh, nhưng chỉ một lỗi nhỏ là dây cáp của nó bị mắc kẹt vào giây phút cuối cùng và khiến Perseverance bị rơi rồi nổ tung, thì Phòng điều khiển sứ mệnh mặt đất sẽ không biết điều đó cho đến 11 phút sau.

May mắn thay, không có sự cố nào xảy ra!

CÔNG NGHỆ TRANG BỊ TẬN RĂNG CỦA PERSEVERANCE

NASA đưa tàu đổ bộ sao Hỏa: Sự muộn màng kéo dài tận 3,5 tỷ năm - Ảnh 3.

Ảnh: NASA

Giờ đây, Perseverance đã ở trên sao Hỏa. Thành công này chỉ là bước đầu. Perseverance sẽ trải qua 2 năm làm nhiệm vụ đầy khó khăn nữa.

Trước đó, các nhà khoa học thuộc Phòng điều khiển sứ mệnh mặt đất trên Trái Đất sẽ dành tháng tới để tải và hiệu chỉnh phần mềm cũng như định cấu hình bộ công cụ khoa học của "người thám hiểm" Perseverance, bao gồm:

- Một máy quang phổ tia X để nghiên cứu thành phần bề mặt quy mô nhỏ.

- Một máy quang phổ tử ngoại để tìm kiếm các hợp chất hữu cơ.

- Một radar xuyên đất.

- Một hệ thống thử nghiệm để cố gắng tìm hiểu xem liệu có thể chưng cất oxy từ khí quyển giàu Carbon dioxide (CO2) của hành tinh hay không. Đây là một công nghệ quan trọng mà các phi hành gia trong tương lai sẽ cần để sản xuất không khí thở cũng như cung cấp nhiên liệu cho tên lửa.

Tuy nhiên, công việc quan trọng nhất của rover là tìm kiếm các dấu hiệu hóa học của sự sống hóa thạch, cũng như các đặc điểm vĩ mô lớn hơn mà chỉ có thể là do sinh học - ví dụ, các gò đá, gợn sóng dọc theo bờ biển cổ đại, tương tự như các thành tạo được tìm thấy trên Trái Đất - được gọi là stromatolites - hình thành bởi các đàn vi sinh vật.

Bản thân Perseverance không phải là cỗ máy duy nhất đáp xuống sao Hỏa ngày 18/2. Nằm gọn trong gầm của người lái là máy bay trực thăng sao Hỏa Ingenuity, một cỗ máy nhỏ bé nặng 1,8 kg, cao 0,49 mét, với hai cánh quay ngược chiều quay ở tốc độ 2.400 vòng / phút.

Ingenuity sẽ trình diễn công nghệ để thử nghiệm chuyến bay chạy bằng động cơ đầu tiên trên sao Hỏa. Chiếc trực thăng này có hai máy ảnh, không có công cụ khoa học và thực hiện những mục tiêu khiêm tốn nhất định: Thực hiện 5 chuyến bay thử nghiệm ngắn hoặc lâu hơn trong không khí mỏng trên sao Hỏa trong vòng một tháng, chỉ để chứng minh công nghệ là thực tế, để có thể tạo ra các bước lặp lớn hơn cho các nhiệm vụ trong tương lai, cho phép dễ dàng khám phá những ngọn đồi và ngọn núi mà "người thám hiểm" robot không thể đi tới.

Tuy nhiên, những nhà khoa học NASA vẫn mô tả các cuộc bay thử nghiệm trên không theo kế hoạch của Ingenuity giống như khoảnh khắc của Anh em nhà Wright.

Bài viết sử dụng nguồn: TIME MAGAZINE

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại