Ước mơ của tất cả mọi người, đó là được du lịch vào vũ trụ, thậm chí to lớn hơn, đó là định cư tại sao Hỏa. Các tiến bộ của khoa học kỹ thuật gần đây đã đưa ta đến gần hơn một bước trong ước mơ trên, tuy nhiên vẫn còn một rào cản cần giải quyết – đó là các bệnh lý có thể xuất hiện khi chúng ta ra khỏi Trái đất.
Các nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Y Tế thuộc Đại Học Georgetown (GUMC) ở Washington, DC đã nghiên cứu cách bức xạ ion hóa có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa (GI) ở người để chuẩn bị tốt hơn cho các phi hành gia để thực hiện các chuyến đi dài trong hệ mặt trời.
Trong các nhiệm vụ khám phá không gian dài ngày, các phi hành gia sẽ bị tiếp xúc với các bức xạ từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có biện pháp nào ngăn chặn các bức xạ trên một cách hiệu quả nhất.
"Với các công nghệ che chắn hiện tại, rất khó để có thể bảo vệ các phi hành gia khỏi những tác động có hại từ các bức xạ ion nặng. Mặc dù theo lý thuyết có thể sử dụng thuốc để chống lại các tác động do bức xạ gây ra, tuy nhiên vẫn chưa có nhà sản xuất nào phát triển được thuốc trên", Kamal Datta, lãnh đạo và điều tra viên cao cấp của nghiên cứu trên cho biết.
Đường tiêu hóa là một bộ phận rất thích hợp để thử nghiệm những ảnh hưởng của các bức xạ ion hóa lên quá trình sinh học của con người.
Trong thời gian từ ba đến năm ngày, các tế bào dường như đã thay đổi, các tế bào mới bắt đầu phân chia và thay thế tế bào cũ. Sự xáo trộn này dẫn đến một loạt các sự thay đổi trong đường tiêu hóa – một số dẫn đến sự hình thành các khối u.
Tại Phòng thí nghiệm bức xạ không gian NASA (NSRL) ở New York, các nhà khoa học đã sử dụng chuột chịu sự tác động liều thấp của các bức xạ ion nặng hoặc tia gamma.
Bằng cách so sánh với những con chuột không chịu sự tác động của các bức xạ, các nhà khoa học đã có thể xác định được đường tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự nguy hiểm của vũ trụ. Kết quả, sau bảy ngày, 60 ngày và 12 tháng sau khi phơi nhiễm, chuột bị chết.
Kết quả điều tra cho thấy, tia gamma chỉ tạo ra những ảnh hưởng nhỏ trên các tế bào của ruột non, và nó có thể tự hồi phục sau 60 ngày.
Với trường hợp chiếu tia bức xạ ion nặng, đã có sự thay đổi rất lớn với các tế bào, các tế bào bị tổn thương liên tục gia tăng kể cả một năm sau khi tiếp xúc. Nhóm nghiên cứu cho rằng những thay đổi trong ruột non có khả năng đã làm tăng khả năng xuất hiện các khối u gây ung thư.
"Trong các chuyến du hành ngắn ngày như khoảng thời gian lên Mặt Trăng, khả năng các tia bức xạ ảnh hưởng đến phi hành gia không đáng kể. Mối nguy hại chủ yếu ở các chuyến đi dài ngày, chẳng hạn tới sao Hỏa", Datta cho biết.
Chìa khóa trong việc bảo vệ chúng ta trong một thời gian dài ở ngoài vụ trụ là phải hiểu rõ hơn về bất kỳ sự thay đổi nào đối với sinh lý học của con người – và cách chúng ta có thể chống lại bất kỳ bệnh lý nào có thể phát sinh khi ở ngoài vũ trụ.
Các nghiên cứu sẽ được tiếp tục sâu hơn nhằm tìm ra các cách thức gây bệnh và chống lại nó, với hy vọng có thể giúp con người du hành xa hơn trong vũ trụ trong thập kỷ tới.