Ngày 20/07/1969, Apollo 11 an toàn hạ cánh xuống Tranquility Base (tạm dịch: Căn cứ Tĩnh lặng) trên Mặt trăng. Vài tiếng sau, tức 21:56 theo múi giờ CT (2:56 theo múi giờ BST), Neil Armstrong chính thức ghi tên mình vào sử sách với bước chân đầu tiên lên vệ tinh này. Nhắc đến Apollo 11, người ta chỉ nhớ khoảnh khắc khiến cả thế giới vỡ òa vì tự hào và xúc động khi con người lần đầu khám phá Mặt trăng.
Thuở kế hoạch nghiên cứu vũ trụ mới được triển khai, nghệ thuật chụp ảnh trong không gian chỉ là một nhánh phụ của ngành công nghiệp nhiếp ảnh. Khi John Glenn trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào quỹ đạo không gian, người ta mới chợt nhớ phải đem theo máy ảnh.
Họ tức tốc lao đến một cửa hàng bình dân gần đó để mua một chiếc máy ảnh Ansco Autoset 35mm của Minolta, sau đó hối hả sửa lại để phù hợp với kết cấu trang phục của phi hành gia và áp lực ngoài không gian.
Trước kia, việc chụp ảnh trong không gian bị xem nhẹ vì ngay chính an toàn của phi hành gia cũng không được bảo đảm.
Khi ấy, mọi nhiệm vụ John Glenn thực hiện đều mang tính thử nghiệm. Lúc kế hoạch khám phá không gian chưa được tiến hành, chẳng ai dám khẳng định môi trường không trọng lực lại khiến con người không thể nhìn, thở, ăn uống hay nuốt bất cứ thứ gì. Đứng trước vấn đề sống còn như thế, phim ảnh là một yếu tố phụ họa không thể mờ nhạt hơn.
Hai tàu vũ trụ Apollo 8 và 10 đã mang theo phi hành gia lượn vòng theo quỹ đạo Mặt trăng trước khi Apollo 11 làm nên lịch sử. Trên con tàu đó, phi hành đoàn tận mắt trông thấy Trái đất như một quả cầu trôi nổi giữa không trung. Từ xưa đến nay, rất hiếm có cảnh tượng nào gây xúc động mạnh đến thế. Khi trở về Trái đất, các phi hành gia lập tức được giới truyền thông săn đón nhiệt tình.
Thiết bị chụp ảnh trên tàu Apollo 11
Các phi hành gia đã được trang bị một bộ máy ảnh hoành tráng để thực hiện nhiệm vụ này. Chúng bao gồm hai máy quay phim Maurer 16mm, một camera quan sát dành cho việc ghi hình khi bay quanh quỹ đạo, cùng một máy quay video chuyên nghiệp đen trắng đặt bên ngoài module tàu để truyền cảnh Neil Armstrong đặt chân lên Mặt trăng về Trái đất.
Một máy ảnh chụp nổi khối của Kodak được sử dụng để chụp cận cảnh bề mặt Mặt trăng với khoảng cách cực nhỏ. Ngoài ra, họ còn mang theo ba máy quay Hasselblad 500EL.
7 tháng trước khi nhiệm vụ Apollo 11 bắt đầu, NASA đã cung cấp cho phi hành đoàn thêm một chiếc máy ảnh mới để chụp đất đá trên Mặt trăng theo kiểu nổi khối. Chiếc máy ảnh này có tốc độ chụp là 1/100 giây, khẩu độ f/22.6, ống kính đặt cách bề mặt Mặt trăng tầm hơn 20 cm. Sau khi điều chỉnh độ sáng nhờ đèn flash điện tử, phi hành gia chỉ cần ấn nút chụp để ghi lại tư liệu quý cho việc nghiên cứu.
Mốc thời gian trong chuyến đổ bộ Mặt trăng Apollo 11.
Chiếc camera này còn là sản phẩm được thiết kế đặc biệt dành cho phi hành gia khi bay vào vũ trụ. Máy ảnh được để yên trên mặt đất, họ chỉ việc nhấn vào cần gạt trên tay cầm dài được nối với camera để kích hoạt tính năng chụp ảnh. Mỗi lần ấn nút đều cho ra hai bức ảnh chụp cùng một khu vực trên Mặt trăng, với kích thước bề mặt là 7,62 x 7,62 cm, còn kích thước film là 2,54 cm².
Quy trình đào tạo ra sao?
Các phi hành gia trên tàu Apollo 11 đã phải trải qua đào tạo chuyên sâu để chuẩn bị cho chuyến thám hiểm Mặt trăng. Từ nhiều năm trước khi nhiệm vụ bắt đầu, họ đã được trang bị kiến thức nâng cao về khoa học và nhiếp ảnh. Họ còn được đề nghị mang theo camera huấn luyện trong các chuyến đi để làm quen với tác vụ của máy và trau dồi kỹ thuật chụp ảnh.
Nhờ công nghệ phát triển, phi hành gia trên tàu Apollo 11 đã được đào tạo chuyên sâu để chụp ảnh.
Phi hành đoàn còn được hướng dẫn kỹ càng về kết cấu của thiết bị, cách hoạt động và mục đích khoa học khi sử dụng máy ảnh trong không gian. Ngoài ra, họ còn được thử nghiệm mô phỏng cảm giác di chuyển trên Mặt trăng tại các địa điểm như Nevada, Arizona và Hawaii.