Cuộc họp báo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chính thức diễn ra vào 13h ngày 22/2/2017, (tức 1h sáng ngày 23/2/2017 theo giờ Việt Nam), tại New York, Mỹ.
Các thành viên tham gia buổi họp báo của NASA, bao gồm:
(1) Thomas Zurbuchen: Quản lý Ban sứ mệnh khoa học của NASA tại Washington, Mỹ.
(2) Michael Gillon: Nhà thiên văn học thuộc trường Đại học Liege, Bỉ.
(3) Sean Carey: Giám đốc Trung tâm Khoa học Kính viễn vọng Spitzer của NASA, tại Pasadena, bang California, Mỹ.
(4) Nikole Lewis: Nhà thiên văn học tại Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian tại Baltimore, bang Maryland, Mỹ.
(5) Sara Seager: Giáo sư vật lý và khoa học hành tinh tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ.
Trong khuôn khổ cuộc họp báo, NASA sẽ công bố những khám phá mới nhất của kính thiên văn hồng ngoại Spitzer về hành trình khám phá sự sống tại các ngoại hành tinh (Exoplanet - Hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời) sau gần 15 năm hoạt động.
Cuộc họp báo đang được phát trực tiếp trên đài truyền hình của NASA (Xem tại đây) và trên website của tổ chức (Xem tại đây).
1h ngày 23/2 (giờ Việt Nam), cuộc họp báo chính thức bắt đầu:
Phát biểu đầu tiên trong cuộc họp báo, ông Thomas Zurbuchen, quản lý Ban sứ mệnh khoa học của NASA tại Washington hồ hởi cho biết, kính thiên văn hồng ngoại Spitzer của NASA đã phát hiện được "Hệ Mặt trời 2.0" có 7 hành tinh có kích thước giống Trái Đất quay quanh ngôi sao mẹ của chúng.
Hệ Mặt trời phiên bản 2.0 mới có tên là TRAPPIST-1, nằm cách Trái Đất chúng ta khoảng 40 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Bảo Bình.
Các ngoại hành tinh của Hệ Mặt trời TRAPPIST-1 phần lớn đều là hành tinh đất đá. Ảnh: NASA.
"Đây là 1 phát hiện vĩ đại trong hành trình khám phá những hành tinh có khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái Đất của nhân loại. Nhờ có kính thiên văn Spitzer, chúng ta tiếp tục lập kỷ lục mới trong việc tìm kiếm những môi trường có khả năng cho sự sống tồn tại.
Cả 7 ngoại hành tinh này đều có chất lỏng (yếu tố quan trọng nhất cho sự sống) và rất có thể có điều kiện khí quyển phù hợp.", ông Thomas Zurbuchen vui mừng chia sẻ.
Kính thiên văn hồng ngoại Spitzer trong hành trình khám phá sự sống của ngoại hành tinh. Ảnh: NASA.
Sau khi nghiên cứu kỹ thì 3 trong số chúng là "ứng cử viên" xuất sắc hơn cả. 3 ngoại hành tinh này nằm trong vùng tồn tại sự sống.
Cập nhật lúc 1:37 giờ Việt Nam:
Dựa theo các dữ liệu mà kính thiên văn Spitzer truyền về, các nhà khoa học NASA có cơ sở để kết luận, các ngoại hành tinh của Hệ Mặt trời TRAPPIST-1 phần lớn đều là hành tinh đất đá.
Mặc dù chưa chính thức kết luận chúng có giàu chất lỏng hay không, nhưng NASA khẳng định, các ngoại hành tinh này đều chứa nước trên bề mặt.
Cũng trong buổi họp báo, ông Michael Gillon, nhà thiên văn học thuộc trường Đại học Liege, Bỉ cho biết, ngoại hành tinh thứ 7, cách xa mặt trời nhất trong TRAPPIST-1 dường như là một hành tinh băng, một thế giới "cầu băng". NASA sẽ tiếp tục khám phá ngoại hành tinh xa nhất hệ mặt trời này.
Ông Michael Gillon cũng cho biết, phát hiện hệ mặt trời phiên bản ngoại hành tinh (bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại phát hiện thấy hệ mặt trời mà các hành tinh của nó có kích thước giống Trái Đất.
Thậm chí, chúng còn là hành tinh đất đá, có nước trên bề mặt và nằm trong vùng có điều kiện hình thành sự sống.
Sứ mệnh tiếp theo của NASA đã quá rõ ràng, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các ngoại hành tinh này cho đến khi khẳng định được bầu khí quyển của chúng phù hợp để sự sống tồn tại.
Ông Sean Carey, Giám đốc Trung tâm Khoa học Kính viễn vọng Spitzer của NASA, tại Pasadena, bang California, Mỹ, cho biết:
"Đây là khám phá tuyệt vời nhất trong sứ mệnh 14 năm của kính thiên văn Spitzer. NASA tiếp tục hành trình khám phá bí mật 7 ngoại hành tinh của TRAPPIST-1 cho đến khi bí mật cuối cùng được đưa về cho toàn nhân loại".
Hệ Mặt trời phiên bản 2.0 mới có tên là TRAPPIST-1. Ảnh: NASA.
Cập nhật lúc 1:58 giờ Việt Nam:
Ông Nikole Lewis, Nhà thiên văn học tại Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian tại Baltimore, bang Maryland, Mỹ, khẳng định: Các kính thiên văn Spitzer, Hubble và Kepler sẽ giúp các nhà thiên văn học tiếp tục khám phá bí mật ngoài vũ trụ.
Ông Nikole Lewis cho biết thêm, năm 2018, NASA sẽ phóng kính thiên văn James Webb với công nghệ tiên tiến hơn nhằm thực hiện những sứ mệnh không gian quan trọng.
2:00 giờ Việt Nam, buổi họp báo kết thúc:
Trong niềm hồ hởi với những khám phá ngoạn mục bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta, Sara Seager, Giáo sư vật lý và khoa học hành tinh tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ kết luận:
"Với việc tung ra sứ mệnh "K2-mission" và việc phóng kính thiên văn James Webb vào vũ trụ năm 2018, giới thiên văn học hoàn toàn có thể tiếp cận được với bề mặt khí quyển của 7 ngoại hành tinh trong hệ mặt trời TRAPPIST-1.
Khi đó chúng ta sẽ đo đạc được lượng oxy, mê tan, thậm chí là nước và các yếu tố hình thành sự sống khác ở các ngoại hành tinh này. Công nghệ mới của kính thiên văn James Webb còn có thể phân tích được áp suất bầu khí quyểncủa 7 ngoại hành tinh".
NASA sẽ phóng kính thiên văn kính thiên văn James Webb vào năm 2018. Ảnh: NASA.
Có rất nhiều bí mật thú vị bên ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta đang chờ đợi nhân loại khám phá. 5 nhà khoa học trong buổi họp báo NASA vui mừng khẳng định, NASA và nhân loại sẽ không ngừng tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, không ngừng nỗ lực phát hiện những hành tinh "siêu Trái Đất" tại những hệ mặt trời khác bên ngoài vũ trụ to lớn.
Ngoại hành tinh đất đá gần Trái Đất nhất có tên HD 219134b, cách hành tinh của chúng ta chỉ 21 năm ánh sáng. Ảnh: NASA.
Khái niệm ngoại hành tinh (Extrasolar planet, hay Exoplanet) được hiểu là các hành tinh nằm ở ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta.
Chúng là các hành tinh quay quanh một ngôi sao khác, hoặc trong tàn dư của sao, hoặc quanh một sao lùn nâu.
Theo số liệu mới nhất của NASA, cho đến nay sau gần 15 năm hoạt động, Spitzer phát hiện được 3.449 ngoại hành tinh.
Trong đó, có 1.264 ngoại hành tinh băng, 1.043 ngoại hành tinh khí, 781 ngoại hành tinh "siêu Trái Đất", 348 ngoại hành tinh đất đá, số còn lại 13 ngoại hành tinh chưa xác định.
Spitzer phát hiện được 3.449 ngoại hành tinh. Nguồn: Exoplanets.nasa.gov.
Kính thiên văn Spitzer (SST), trị giá 720 triệu USD, được NASA phóng vào không gian vào ngày 25/8/2003 với sứ mệnh thăm dò sự sống các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời.
Bài viết sử dụng nguồn chính thức: NASA.GOV