Theo Live Science, bức ảnh được NASA công bố chụp lại một phần của sườn núi Sharp trên Sao Hỏa khô cằn, cho thấy hình ảnh của những gợn sóng đã "hóa đá" của một hồ nước cổ đại.
NASA cho biết chúng là bằng chứng rõ ràng nhất về điều mà cơ quan vũ trụ này luôn muốn xác định: Nước từng tồn tại trên Sao Hỏa. Mặt dù Curiosity trước đó đã đi qua nhiều mỏ đá nằm trong hồ cổ đại và thu thập những bằng chứng gián tiếp về nước, nhưng các nhà khoa học vẫn kỳ vọng một thứ gì đó trực tiếp hơn, sống động hơn. Lần này họ đã tìm thấy.
Cận cảnh khu vực có các phiến đá lưu giữ bằng chứng về sóng nước cổ đại - Ảnh: NASA
"Đây là bằng chứng tốt nhất về nước và sóng mà chúng tôi đã thấy trong toàn bộ nhiệm vụ" - nhà khoa học Ashwin Vasavada từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, thành viên dự án Curiosity, nhận định.
Ông nói thêm: "Curiosity đã trèo qua hàng ngàn mét trầm tích của hồ và chưa bao giờ tìm thấy loại bằng chứng như thế này. Bây giờ chúng tôi tìm thấy nó ở nơi từng được cho là khô ráo".
Kể từ mùa thu năm ngoái, "chiến binh săn sự sống" của NASA đã khám phá một khu vực mà các nhà khoa học cho biết giàu đá chứa sunfat. Họ tin rằng sự giàu muối này là do quá trình lắng đọng của một hồ nước cạn dần từ thời cổ đại.
Dấu vết của sóng từng được thể hiện gián tiếp qua việc xáo trộn trầm tích, tuy nhiên dấu vết lần này rõ ràng, thực tế hơn, theo giống cách mà những cơn sóng trên Trái Đất có thể để lại dấu vết trên đá sau hàng ngàn năm xô vào.
Bức ảnh toàn cảnh của Curiosity - Ảnh: NASA
Các vết gợn sóng cách đỉnh Núi Sharp khoảng 0,8 km. Theo NASA ngọn núi cao 5 km này từng có rất nhiều hồ và suối rải rác khắp xung quanh, trên những sườn núi, khiến nó trở thành khu vực hấp dẫn để săn tìm sự sống cổ đại trên Sao Hỏa.
Hình ảnh mới được công bố là ảnh toàn cảnh 360 độ được Curiosity chụp vào ngày 16-12-2022, sau đó được gửi về Trái Đất và trải qua thêm một thời gian để phân tích. Robot cũng định khoan vào đá ở đây nhưng chúng quá cứng. Nó sẽ phải tìm một loại đá mềm hơn trong khu vực này.
Nhóm điều hành Curiosity cho biết sự hiện diện của các gợn sóng trên một khu vực được cho là khô ráo cho thấy việc Sao Hỏa khô cạn không phải quá trình đơn giản.
Gần các tảng đá gợn sóng các nhà nghiên cứu còn thấy các lớp đá có khoảng cách và độ dày đều đặn, giống loại thường xuất hiện trên Trái Đất và thể hiện một kiểu định kỳ. Điều này có thể chỉ ra Sao Hỏa cổ đại từng có khí hậu phức tạp như Trái Đất, thay đổi định kỳ theo các loại chu kỳ vì dụ như các mùa.
Curiosity là một trong các robot săn sự sống Sao Hỏa của NASA, một chiếc rover tự hành trị giá 2,5 tỉ USD, rời Trái Đất từ tháng 11-2011 và đã kết thúc nhiệm vụ chính 2 năm từ lâu. Nó hiện vẫn hoạt động tốt và là kẻ vô cùng may mắn vì đã liên tục phát hiện ra các bằng chứng của nước và sự sống, củng cố thêm niềm tin của NASA rằng Sao Hỏa cổ đại giống như Trái Đất.